Tiếp nối những công việc đã triển khai trong những năm qua, trong năm 2017, hệ thống Kho bạc nhà nước (KBNN) đã quyết liệt triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp để cải cách, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, trong đó trọng tâm là cải cách quy trình TTHC về thu, chi NSNN theo hướng: đơn giản, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện TTCH cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch thu, chi NSNN với các đơn vị trong hệ thống KBNN.
Đáng chú ý, về cải cách quy trình thu NSNN, KBNN đã triển khai tích cực và có hiệu quả dự án Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan -KBNN; tiếp tục tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại (NHTM); triển khai thanh toán điện tử tập trung với Ngân hàng Nhà nước và các NHTM; đồng thời, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin tiên tiến vào quy trình quản lý thu NSNN.
“Việc triển khai tích cực các dự án cải cách, hiện đại hóa nêu trên đã góp phần tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu của NSNN, để đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu chi tiêu của NSNN; đồng thời, tạo điều kiện cho người nộp thuế (NNT), giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền. Thời gian thực hiện 01 giao dịch thu NSNN rút xuống còn khoảng 05 phút, so với với trước đây là 30 phút..”- Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Bên cạnh đó, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN địa phương phải mở rộng tài khoản chuyên thu và thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho NHTM đảm nhận theo nguyên tắc tất cả các KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện đóng trên các địa bàn tỉnh lỵ, quận, TP, thị xã mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các NHTM trên cùng địa bàn; triển khai mở rộng việc thu NSNN qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) lắp đặt tại trụ sở KBNN ở những địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt và có số lượng người dùng thẻ đông.
Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Vinh, với việc thực hiện các cải cách trên, một mặt giúp tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, mặt khác, góp phần mở rộng không gian và thời gian cho NNT (NNT có thể thực hiện nộp tiền tại nhiều địa điểm khác nhau, nơi có trụ sở KBNN hoặc chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM; hoặc có thể nộp tiền ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ; qua các dịch vụ thanh toán điện tử do NHTM cung cấp,…); đồng thời, giảm thiểu số thu bằng tiền mặt, tạo điều kiện cho NNT tiếp cận với các hình thức thu, nộp NSNN văn minh, hiện đại (như nộp thuế qua Internet, ATM...).
Về công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN, KBNN đã thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Cụ thể, đối với chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán,…; đối với chi thường xuyên, đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi, thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, bỏ thủ tục kiểm soát chi liên quan đến nhu cầu chi quý, xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát chi “một cửa” theo nguyên tắc mỗi giao dịch viên là một cửa, trừ các khoản chi bằng tiền mặt,…
Bên cạnh đó, KBNN cũng đã triển khai thành công Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN trên toàn quốc từ ngày 02/10/2017 (số hồ sơ, chứng từ giải quyết đúng hạn chiếm 99,89%, đã giải thể 1.288 tổ Tổng hợp hành chính và tổ Kế toán tại KBNN cấp huyện để chuyển sang thực hiện chế độ chuyên viên); triển khai chi tiêu NSNN qua thẻ tín dụng; thí điểm thực hiện kiểm soát chi điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 để vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với KBNN, vừa nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN.
Để có được kết quả đó, KBNN đã thực hiện việc rà soát những văn bản không còn hiệu lực để loại bỏ, đơn giản hóa các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN để đưa vào dự thảo Nghị định quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN; niêm yết công khai và cập nhật các TTHC được thực hiện tại KBNN; công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính trong hệ thống KBNN trên Cổng thông tin điện tử KBNN.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra công tác cải cách TTHC và tăng cường việc kiểm soát TTHC tại các đơn vị KBNN. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn KBNN các tỉnh, TP, quán triệt các đơn vị trong hệ thống tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác CCHC và kiếm soát TTHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và KBNN…