Theo đánh giá của các chuyên gia, các cuộc cải cách đang tiến hành chỉ thành công khi đội ngũ cán bộ, công chức tự nhận thức được trách nhiệm công vụ, tự ý thức được vai trò của bản thân và có động lực để đóng góp, cống hiến cho sự phát triển chung của toàn xã hội.
“Thèm muốn” được phục vụ tận tình
Tuần qua, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2016, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hai sự kiện liên quan đến cộng đồng DN này đều khẳng định những chuyển biến tích cực trong nỗ lực hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, cũng ghi nhận nhiều tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của giới doanh nhân trước những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của bộ máy nhà nước, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là vấn đề thủ tục hành chính và thái độ, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Báo cáo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2016 cho thấy, 41% DN còn gặp một vài phiền hà trong thực hiện TTHC thuế (đã giảm đáng kể so với năm 2014 là 57%). Một số phiền hà được DN “điểm mặt chỉ tên” như biểu mẫu hay thay đổi, thời gian giải quyết quá dài, phải trả thêm chi phí không chính thức, yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ, cán bộ không hướng dẫn, tận tình…
Cũng theo khảo sát này, còn gần 50% DN được khảo sát đánh giá không cao tác phong làm việc của cán bộ thuế. Có DN phản ánh, “khi DN nộp hồ sơ hoàn thuế, cán bộ cố tình không đóng dấu ngày nhận lên hồ sơ gây khó dễ cho DN trong việc xác định thời gian hoàn thuế” nên 3% DN mất khoảng 90 ngày mới nhận được tiền hoàn thuế. Cá biệt có DN mất một năm mới nhận được khoản tiền này. Có DN “nản” trước những khó khăn trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng mà từ bỏ thực hiện thủ tục.
TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư còn chỉ ra tình trạng công chức thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới sáng tạo khi “câu trả lời thường nghe nhất về một vấn đề cụ thể, về vướng mắc của DN là “chúng tôi làm đúng quy định”, ít quan tâm đến khó khăn của DN do chính các quy định, văn bản cụ thể tạo ra. Luôn cho rằng phần đúng thuộc về cơ quan nhà nước và nếu thay đổi thì không quản lý được”.
Chính sự thụ động của cán bộ thực thi làm cho DN không ngừng “kêu” về những phiền hà, nhũng nhiễu, những khoản chi phí “đen” mà họ buộc phải bỏ ra để không bị “hành”. Như trong Báo cáo khảo sát, có 34% DN cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức trong các lần thanh tra, kiểm tra thuế, tăng nhẹ so với năm 2014 (là 32%).
Qua khảo sát, một số DN thừa nhận “dù làm đúng vẫn phải có “khoản bôi trơn”, nhiều khoản chi cho cán bộ thuế để “không bị hành”, bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh, kiểm tra thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Theo các DN, “Các khoản phải nộp không chính thức còn tồn tại quá nhiều gây mất bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh”.
Vì thế, “DN kiến nghị kiểm tra, thanh tra cán bộ thuế hay gây khó dễ cho DN, nâng cao đạo đức nghề nghiệp với công chức thuế...” cho thấy những người ngày ngày va chạm, đáp ứng các TTHC luôn “thèm muốn” có được sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình của những cán bộ, công chức để thực hiện các quyền sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi, đúng pháp luật.
Gần gũi, lắng nghe mà “không để đấy”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định với cộng đồng DN tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 mới đây rằng “Chính phủ thực sự muốn nghe, không phải nghe để đấy” . Đó cũng là mong muốn của cộng đồng DN, người dân đối với những “công bộc của dân”, chính quyền các cấp trước khó khăn, vướng mắc của DN, người dân. Theo Phó Thủ tướng, “gần gũi, lắng nghe mà không để đấy” để tạo niềm tin cho DN và hiệp hội DN “nói ra những bức xúc của mình”, chỉ ra “những vướng mắc ở chính sách, văn bản, ở người thực thi, kiến nghị sửa đổi, giúp Chính phủ tiếp thu, điều chỉnh kịp thời hơn”.
Năm 2017, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, đến hết năm 2017 đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, giai đoạn 2017-2020 cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 trụ cột là môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo và Chính phủ điện tử; gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.
Với mục tiêu này, sự “chuyển động” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi như nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, “Nếu chỉ thực hiện theo cách truyền thống, chỉ có sự tích cực của các hiệp hội DN và cộng đồng DN, mà không có sự tích cực năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và DN thì khó có thể đạt mục tiêu đề ra”.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ trong thực thi Nghị quyết 19, ông Vũ Quang Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, “Nghị quyết 19 được ban hành để đưa hệ thống công quyền gần gũi và lắng nghe DN, người dân nên đưa Nghị quyết 19 đến từng cán bộ là biện pháp quan trọng nhất để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nghị quyết 19 có nhiều yếu tố để gián tiếp giải tỏa những bức xúc hiện nay của DN mà trực tiếp là việc các bộ phải thực hiện. Điều đó thể hiện qua chính công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 19 đã đề ra. Nhưng để thay đổi tác phong làm việc của cán bộ khi phục vụ người dân và DN “không dễ dàng vì đó là những yêu cầu thay đổi về con người, cần nhiều công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như sự cam kết chính trị mạnh mẽ ở tất cả các cấp và hỗ trợ của cộng đồng DN và toàn xã hội” - bà Nicola Smithers – Chuyên gia Quản trị công trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) nhận định.
Cán bộ không được mang tư tưởng “ban phát”
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có đạo đức để lập lại kỷ cương, hướng đến phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đưa ra để “chấn chỉnh” cán bộ nếu không chuyển động, trong đó “kiên quyết loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu” luôn được đề cập trong bất kỳ diễn đàn nào về xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ.
Ông Đào Huy Giám – Tổng cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) khẳng định, “nguồn lực con người không chỉ nói suông được. Mỗi cán bộ không chỉ dừng lại ở chuyện có bằng cấp (tài) mà đức mới là điều quan trọng. Cán bộ phải có ý thức phục vụ chứ không phải mang tư tưởng “ban phát” vì cán bộ được trả lương từ tiền thuế đóng góp của dân và DN”.
Với vai trò của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, có năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ. Để làm được, Chính phủ chỉ đạo “kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức năng lực yếu kém, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, cùng nhận định với bà Nicola Smithers, nhiều chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân phải “đồng hành cùng Chính phủ” để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên” bằng những hành động thiết thực. Đó là “nói không với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”; không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng, lãng phí, tố cáo, lên án những thói nhũng nhiễu, gây phiền hà, hành vi vi phạm pháp luật...
Cùng với đó, theo ông Trương Quốc Việt (Đại học Nội vụ Hà Nội), nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cần giáo dục tính liêm chính, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức để trở thành nhận thức của mỗi cá nhân khi tham gia nền công vụ. Thiết lập thể chế chặt chẽ, minh bạch, công khai nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài sản của cán bộ, công chức trước, trong và sau khi rời khỏi nhiệm sở.
Ông Việt cũng nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng và thực thi chế tài nghiêm khắc, nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật để cán bộ, công chức “không dám” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ trái với lương tâm và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, với ông Đào Huy Giám, “Mấu chốt của vấn đề là cán bộ nhận ra sai lầm, dũng cảm nhận lỗi với đối tác với cộng đồng cùng nhau sửa chữa như vậy mới có tác dụng, còn chế tài để xử lý cán bộ chỉ nên áp dụng cho những lỗi lầm quá lớn”.