Những “hiểm nguy” trên mạng xã hội
Nhiều người cho rằng chỉ những người trưởng thành mới là đối tượng bị công kích, tấn công trên mạng xã hội, nhưng thực tế, trẻ em cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của những trò “ném đá” của các “anh hùng bàn phím”.
Anh Lê T.A, giáo viên tiểu học, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, tuần qua, anh đã phải đưa con gái 12 tuổi khám tâm lý sau khi cháu có những dấu hiệu hoảng sợ, kích động, không ăn, ngủ được. Nguyên nhân ban đầu được cháu kể lại là do cháu lên mạng lưu một tấm hình vẽ nhân vật truyện tranh từ một trang truyện nước ngoài và đăng tải trong một nhóm mê truyện tranh ở Việt Nam, nhận do mình vẽ.
Sự việc nhanh chóng được một “fan” của truyện tranh phát hiện, cô bé nhận những lời công kích dữ dội từ các thành viên trong nhóm. Anh A vào tài khoản của con xem và “sốc” khi thấy những lời hăm dọa, xúc phạm rất tục tằn dành cho con gái, nào là “đứa ăn cắp”, “vô liêm sỉ”, “mới bé tí nứt mắt đã gian xảo”, “mày sống làm gì cho chật đất”... Lúc này, anh A mới bàng hoàng nhận ra, những đứa trẻ một khi lên mạng cũng có thể trở thành nạn nhân của những cuộc “ném đá” tập thể đầy nguy hiểm.
Một trường hợp khác, chị Phạm T.H có hai con 11 và 14 tuổi ngoại hình xinh xắn, chị thường cho con ăn mặc xinh đẹp, xuất hiện trong các livestream bán hàng của mình để “câu view”. Đồng thời chị cũng lập tài khoản Tiktok để con tương tác giới thiệu sản phẩm giúp mẹ. Tuy nhiên, sau khi chị bị phát hiện bán mỹ phẩm là kem trộn, không những chị bị khách hàng mắng mỏ mà các con chị cũng bị tấn công trên mạng, gán cho biệt danh “hai đứa trẻ lừa đảo”, khiến các cháu sốc, suy sụp.
Có thể thấy, khi trẻ em bước chân lên môi trường mạng, những rủi ro, nguy cơ nào có thể xảy ra cho người lớn cũng có thể xảy ra cho trẻ, thậm chí, với tâm hồn non nớt của các em, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều. Đã có trường hợp trẻ sốc tâm lý phải nhập viện, hoặc tự vẫn vì không chịu nổi những cuộc “ném đá” trên mạng.
Cha mẹ cần bảo vệ con trên thế giới ảo
Theo thống kê, đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó hai phần ba đang tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối internet. Tại Hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã đưa ra số liệu trong tổng số vụ xâm hại trẻ em của năm 2023 và quý I/2024, có hơn 400 vụ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các thủ đoạn tạo niềm tin với nạn nhân và tiến hành hành vi xâm hại, chủ yếu là nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Nhóm tội phạm này còn tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản trẻ em qua mua bán tài khoản, vật phẩm game online; cho, tặng điện thoại phục vụ học tập…
Lực lượng công an cũng đã ngăn chặn truy cập từ trong nước đến 30 nghìn trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục...
Các chuyên gia nhận định, trẻ em khi tham gia vào mạng xã hội có thể gặp phải các mối nguy sau: vô tình truy cập vào các trang web chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm, hoặc ngôn từ kích động, thù hận. Trẻ cũng dễ trở thành đối tượng của các chiêu trò lừa đảo qua mạng, nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân. Nhiều bậc phụ huynh cũng rất “vô tư” khi đăng tải hình ảnh, thông tin, tên tuổi... của con lên mạng. Các bậc cha mẹ đăng hình ảnh con hở hang, dùng con để làm công cụ “câu view”, bán hàng cũng dễ khiến con trở thành “tiêu điểm” của kẻ xấu luôn rình rập trên mạng xã hội.
Hậu quả xảy đến khi trẻ bị xâm hại, bị lừa đảo chính là sự ảnh hưởng đến tính mạng, đến sức khỏe thể chất và tinh thần, phát triển lệch lạc trong nhận thức... Trẻ có thể bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, tự gây tổn thương, hủy hoại bản thân sau những sự cố gặp phải trên mạng. Cạnh đó, một mối nguy thường được quan ngại là chứng nghiện internet và giảm tương tác xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, để tránh cho trẻ trở thành những nạn nhân của mạng xã hội, cha mẹ cần có những nguyên tắc dành riêng cho con khi tham gia thế giới mạng. Trong đó, quan trọng hàng đầu là việc giáo dục và nâng cao nhận thức. Phụ huynh cần kết hợp với nhà trường tăng cường giáo dục trẻ về những nguy cơ trên mạng và cách sử dụng mạng xã hội đúng đắn. Cha mẹ cũng cần giám sát và quản lý thời gian sử dụng internet của con bằng trực quan và bằng các phần mềm giám sát, chặn các các website độc hại. Tuyệt đối không biến con thành công cụ “câu view” kiếm lợi trên mạng vì “lợi bất cập hại”.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cần xác định làm thế nào để biến mạng xã hội thành công cụ để trẻ học, phát triển tư duy chứ không phải “thế giới giải trí” của trẻ. Trẻ con cần được vui đùa, sáng tạo... trong không gian thực tế rộng lớn để phát triển các kĩ năng sống, phát triển lành mạnh về tư duy.