Trước hết, người ta đã biến một lễ nghi trọng thể nhằm khẳng định vị thế quan chức, đồng thời nhắc nhở trách nhiệm làm quan thành một sự mê tín là người nào được nhận ấn sẽ hanh thông hoạn lộ. Hiệu ứng tâm lý ấy có sức lan truyền khủng khiếp, phản ảnh một xu hướng xã hội là thói hãnh tiến, thích làm quan và muốn thăng quan.
Chính vì thế mà người ta đổ xô về đền Trần, chầu chực đến giờ Tý, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau nhằm giành cho được một vật vô tri, vô giác được nhân bản rất nhiều gọi là “ấn” với niềm tin vô căn cứ là ý nguyện quan trường sẽ đạt được. Từ sự phát ấn một cách trang trọng cho số ít, giờ đây là cho cả đám đông và từ sự nhận ấn nghiêm cẩn đã thành cuộc giành ấn, thậm chí cướp ấn, chẳng lẽ chức quan cũng cướp được sao? Ấn được phát bán một cách rộng rãi như thế còn gì là linh thiêng nữa, lại phải mua bằng tiền, mang nặng mùi mua quan, bán chức lắm và có cả nghệ thuật kinh doanh ở đó nữa.
Thứ nữa, để thỏa mãn nhu cầu của đám đông, nhiều điểm phát ấn được mở ra. Như vậy, có khác nào chỗ nào trong nhà cũng thắp hương khấn vái được? Ấy là chưa nói đến nơi phát ấn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng cách dựng song sắt chung quanh, trông chẳng khác gì chuồng cọp, khí thiêng hội tụ ở đâu để những người tâm thành có thể hấp thụ nó?
Cần sớm có ngay những thay đổi đáng kể về việc phát ấn, hãy giữ gìn một nghi lễ trang nghiêm, ẩn chứa thông điệp của đạo lý làm quan chứ không phải phổ thông hóa đến mức phàm tục, gây nên những cảnh tượng rất phi văn hóa như những gì vừa xảy ra trong đêm ngày 14 tháng Giêng vừa qua.
Nhị Ngọc