VNPT góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình tại Việt Nam
Tính đến nay, đã có 28 tỉnh, thành phố (với tổng dân số chiếm hơn 60% dân số cả nước) đã chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2. Dự kiến đến cuối năm nay, 7 tỉnh còn lại của khu vực Đồng bằng Nam bộ (gồm Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh) sẽ tiến hành số hóa, sớm hơn 12 tháng so với lộ trình đặt ra trong Đề án. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2017, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng Nam bộ sẽ hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất.
Việc đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình, hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch đặt ra là nỗ lực rất lớn của Ban Chỉ đạo Đề án và các đơn vị thực hiện. Trong đó phải kể tới việc sẵn sàng cung cấp thiết bị đầu thu truyền hình số của các doanh nghiệp trong nước.
Đầu năm 2016, việc chưa xác định rõ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 có bị đánh thuế nhập khẩu hay không, khiến một số lượng lớn đầu thu của các doanh nghiệp trong nước bị ách tắc tại các cửa khẩu. Không ít doanh nghiệp cho biết sẽ bỏ không kinh doanh mặt hàng này và không dám tham gia đấu thầu Dự án của nhà nước nếu như đầu thu số DVB-T2 bị áp thuế nhập khẩu lên tới 35%. Tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc tiến độ tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố lớn sẽ bị chậm lại.
Tuy nhiên, trong khi nhiều doanh nghiệp đầu thu gặp khó thì VNPT lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Với lợi thế sở hữu hai nhà máy sản xuất có tổng công suất lên tới 2,5 triệu sản phẩm mỗi tháng, dây chuyền hiện đại đặt ngay tại Hà Nội, VNPT luôn ở thế chủ động trong cả việc cung cấp lẫn chất lượng, giá thành các loại đầu thu này. Đây là một trong những lý do giúp VNPT trúng nhiều gói thầu cung cấp đầu thu số cho Đề án số hóa truyền hình.
Tính tới thời điểm hiện tại, VNPT đã đưa ra thị trường gần 1 triệu đầu thu DVB-T2, phục vụ cho cả các đề án số hóa lẫn nhu cầu người dân. Mới đây nhất, hồi tháng 7/2017 VNPT và VnPost đã hoàn thành triển khai dự án lắp đặt hơn 174.000 đầu thu số DVB-T2 cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 6 tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Phú Thọ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Nhiều sản phẩm công nghiệp công nghệ tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường
Không chỉ riêng đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, VNPT còn đang sản xuất nhiều sản phẩm thiết bị đầu cuối viễn thông khác. Nhiều sản phẩm đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường như smartphone Vivas Lotus, smartBox, modem wifi…
Nếu như trước năm 2014, khối công nghiệp của VNPT như “tờ giấy trắng” thì sau tái cấu trúc, sản xuất công nghiệp đã trở thành một điểm sáng. Không chỉ đáp ứng 100% thiết bị đầu cuối trên mạng lưới của VNPT, các sản phẩm còn được khách hàng trong nước đánh giá cao và tin dùng.
Chỉ riêng trong năm 2016, VNPT đã đưa ra thị trường hơn 90.000 km cáp quang và 2,4 triệu sản phẩm, bao gồm 1,5 triệu thiết bị đầu cuối quang (ONT), 300.000 sản phẩm MyTV box, trên 500.000 đầu thu DVB-T2, và trên 100.000 sản phẩm Smartbox, Smartphone, Wifi Access Points…, các loại, với tổng giá trị lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Không chỉ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường trong nước, VNPT cũng đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị ra các thị trường nước ngoài, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm công nghiệp của VNPT được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Năm 2016, VNPT đã giới thiệu các sản phẩm công nghiệp của mình tới hơn 30 quốc gia khác nhau ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc. VNPT cũng đã đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới thăm dây chuyền sản xuất và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Kết quả là những đơn đặt hàng thiết bị đầu tiên từ nước ngoài đã đến ngay trong năm 2016.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2017 của VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đã một lần nữa khẳng định những sản phẩm công nghiệp của VNPT không chỉ giúp giải quyết nhu cầu nội tại của doanh nghiệp mà còn đáp ứng được mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt. Bộ TT&TT mong muốn tới đây VNPT tiếp tục phát triển các thiết bị này và ra mắt những thiết bị giúp kết nối trong mọi gia đình Việt.
Cùng với CNTT, mảng sản xuất công nghiệp cũng được coi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn sẽ được VNPT tập trung phát triển trong giai đoạn 2016-2020. Với những thành công bước đầu đạt được, trong thời gian tới VNPT sẽ tiến tới đa dạng hóa danh mục sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường tiêu dùng, y tế, sức khỏe…, đặc biệt là các sản phẩm đón đầu xu hướng phát triển IoT. Việc tự xây dựng và phát triển nền tảng IoT thông minh (Smart Connected Platform) là điều kiện thuận lợi để VNPT phát triển các sản phẩm theo định hướng này.