Sức hút “Ảo tưởng tuổi 17”
“Ảo tưởng tuổi 17” là bộ phim học đường mới của đạo diễn Trịnh Tài Việt do Viettel Media sản xuất và phát hành. Bộ phim sẽ chính thức lên sóng vào lúc 20h thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên Mocha video từ ngày 6/4/2019.
“Ảo tưởng tuổi 17” với nội dung xoay quanh hai nhân vật chính Linh và Nam, mang trong mình niềm khao khát tự lập ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ gặp nhau, giúp đỡ và lợi dụng lẫn nhau. Chọn cách xa rời vòng tay bố mẹ, những va vấp với cuộc đời cho họ cơ hội được trải nghiệm và rút ra bài học, từ đó trở nên bản lĩnh, trưởng thành hơn.
Xuyên suốt 18 tập phim là hành trình khám phá và trưởng thành của Linh, Nam cùng bè bạn. Qua những tình huống rất đời thường, đầy hài hước và kịch tính, “Ảo tưởng tuổi 17” là câu chuyện đẹp về tình bạn trong sáng, tình cảm gia đình bền chặt và những rung động tuổi mới lớn.
Với đề tài khai thác những vấn đề rắc rối đến từ xã hội công nghệ 4.0, hiện “Ảo tượng tuổi 17” đang rất thu hút giới truyền thông cũng như khán giả yêu phim. Khai thác sâu sắc mà tinh tế vấn đề tâm lý của những cô cậu học trò bị phụ thuộc vào thế giới ảo internet không phải là chuyện dễ dàng.
Có thể nhận thấy, trong khi các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc tập trung nhiều khai thác “mỏ vàng”- phim tuổi teen thì ở Việt Nam, các nhà làm phim lại… ngó lơ. Chục năm về trước, truyền hình đã có một số bộ phim dành cho tuổi teen được đón nhận khá tốt như: Thứ ba học trò, Nhật ký Vàng Anh , Bộ tứ 10A8, Chít và Pi, Những phóng viên vui nhộn,12A và 4H, Thứ ba học trò… Nhưng so với nhu cầu giới trẻ, số lượng phim đó dường như chẳng thấm tháp là mấy.
Phim Việt thiếu những kịch bản hay, phù hợp với giới trẻ là vì sao? Phải chăng vì khoảng cách tuổi đời giữa những người viết kịch bản với đời sống tuổi teen là quá lớn? Hay cũng vì các đạo diễn, nhà sản xuất lựa chọn phương pháp an toàn với những bộ phim về xã hội chung chung?
Làm phim tuổi teen không dễ
Dễ nhận thấy, qua một số bộ phim tuổi teen, các nhà làm phim rất thích khoác cho lớp trẻ những cái áo của người trung tuổi và coi những vấn đề của người lớn là vấn đề của bọn trẻ. Dĩ nhiên, cách giải quyết của người có tuổi là cách giải quyết của thanh niên nên bộ phim hay bị rơi vào cảnh “dở ông, dở thằng”, hay “ông cụ non”.
Dù đã từng thành công trong mảng phim dành cho tuổi mới lớn nhưng đạo diễn Lê Bình cũng phải thừa nhận: “Làm phim cho tuổi này rất khó, phải hiểu các em đang nghĩ gì, muốn gì. Đồng thời, phim hướng các em đến nếp sống truyền thống hay lý tưởng sống thông qua những bài học giáo dục thật nhẹ nhàng, nhưng không nặng tính lý thuyết… là bài toán không dễ giải.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: "Theo tôi, khó khăn nhất khi viết kịch bản về lứa tuổi học đường là đặt bản thân mình vào thời điểm đó như thế nào, có sự chia sẻ làm sao để đồng điệu cùng lứa tuổi đó và tránh tối đa góc nhìn của người lớn".
Ví như ở nước Mỹ, người ta thành lập hẳn một cơ quan nghiên cứu tâm lý của tuổi teen và thường xuyên cập nhật cho phụ huynh và nhà trường được biết. Thậm chí, họ đã tổ chức những lớp học dành cho cảnh sát học, các nhà tâm lý, các đạo diễn… tiếng "lóng" mà người hướng dẫn không ai khác chính là những học sinh 15 tuổi.
Giới trẻ thích sự kiện dồn dập, từ cách ăn nói, cách xử lý các vật dụng như: vi tính, điện thoại cho đến cách giải quyết những vấn đề trong cuộc số. Phim cho tuổi teen phải là câu chuyện thực sự của họ, cách xử lý tình huống của họ, phải nhanh, phải hiện đại, phải đẹp. Và người làm phim phải trẻ trung trong tâm hồn.
Ngoài ra, giới trẻ là lứa tuổi ưa khám phá. Ví như, phim “Mùa hè sôi động” đã lồng ghép chân dung giới trẻ khác: học leo dây thoát hiểm khi nhà cao tầng đang cháy, học cách tồn tại trên đảo hoang, học bơi lội, học leo núi, học nhìn trăng, nhìn sao, học cách cứu người và tự cứu mình khi gặp tai nạn… Quan trọng hơn cả là học cách chung sống với những khác biệt và quan tâm đến những người khác xung quanh mình.
Những người làm phim cho tuổi teen nên tham khảo các loại giải trí thời công nghệ của teen để biết suy nghĩ của chúng. Bởi đây chính là những gì đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của giới trẻ. Nó được cập nhật từng ngày, từng giờ. Làm được điều đó thì các nhà làm phim không sợ phim dành cho tuổi teen lại xa rời thanh thiếu niên.
Nhiều bạn trẻ không được học nhiều kỹ năng sống thực tế, có khuynh hướng trở thành những “búp bê trong nhà kính”. Có một số bạn trẻ bị những phim hay clip đẫm bạo lực “bủa vây” đã bị lệch chuẩn trong suy nghĩ cũng như trong cách sống.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, điện ảnh là kênh định hướng, giúp tuổi teen thêm niềm vui trong cuộc sống và những ước mơ hoài bão được sớm trở thành hiện thực. Cần như vậy, nhưng câu hỏi vẫn mãi tồn tại là bao giờ thì dòng phim tuổi teen lên ngôi?