Hôm qua, kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, QH đã nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, QH đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn và “đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế” trong 4 tháng đầu năm 2012.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội bên hành lang kỳ họp |
Có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng
Năm 2011, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tham nhũng còn nghiêm trọng, các vụ khiếu kiện đông người kéo dài tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều; quản lý đất đai, tài nguyên còn thiếu chặt chẽ, đất đai chưa được khai thác tốt để tạo nguồn lực cho phát triển.
Đặc biệt, tuy lạm phát giảm mạnh nhưng lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao. Đời sống nhân dân ở nhiều vùng vẫn còn khó khăn, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm còn nghiêm trọng, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm chống người thi hành công vụ, tham nhũng, lãng phí, nhiều vụ khiếu kiện đông người phức tạp, nhất là về đất đai…
Chưa điều chỉnh chỉ tiêu
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban kinh tế đánh giá, một số chỉ tiêu chủ yếu không đạt, trong đó đáng chú ý có 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng và chỉ tiêu tạo việc làm mới thấp hơn mức kế hoạch.
Trong 4 tháng đầu năm 2012, kinh tế đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh khi GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, gây khó khăn cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012. Số DN giải thể, ngừng hoạt động gia tăng làm tăng thêm nguy cơ thất nghiệp, Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo vẫn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” trong thời kỳ đầu vụ, tổng dư nợ tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm.
Hầu hết ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Do vậy, cần kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của QH đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các DN tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động...
Hy sinh tăng trưởng đổi lấy chất lượng
Buổi chiều, trình bày với QH đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, sẽ phải vượt qua 3 thách thức để tới năm 2020 sẽ có nền kinh tế theo “kỷ luật thị trường”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ 3 thách thức cho công cuộc tái cơ cấu tổng thể nền kinh là phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng; phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp do tái cơ cấu có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan; thể chế kinh tế thị trường hiện tại của Việt Nam còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn…
Ủy ban Kinh tế đã đồng ý với các quan điểm định hướng chỉ đạo và mục tiêu mà đề án nêu, nhưng đề nghị làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp nhưng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, là “chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường”. Do vậy, Ủy ban đề nghị bổ sung thêm một đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp. Trong đó, cụ thể sẽ tập trung xử lý trước mắt các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Chưa khắc phục hết tồn tại cũ Đánh giá chung về tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của QH khóa XIII từ đầu nhiệm kỳ, UBTVQH nhận thấy, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những bất cập đã tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục: Có dự án vừa mới được đưa vào Chương trình đã có đề nghị điều chỉnh tiến độ (như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Đô thị...), công tác chuẩn bị soạn thảo dự án luật của một số cơ quan còn chậm, chưa dành thời gian hợp lý và chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án; nội dung một số văn bản, qui định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, song ban hành văn bản hướng dẫn không bảo đảm tiến độ… UBTVQH đã đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, năm 2013 và nhiệm kỳ QH khóa XIII. |
Nhóm P.V