Trong các ngày từ 23/8 đến 3/9/2010, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) phối hợp với Trung tâm phòng chống thảm họa Châu Á (ADPC) tổ chức khóa học quốc tế về Quản lý Y tế công cộng trong trong tình huống khẩn cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 10 (PHEMAP-10) tại Hà Nội.
Khóa học có sự tham gia của 30 học viên là những nhà quản lý y tế và những cán bộ trực tiếp tham gia quản lý các vấn đề Y tế công cộng trong tình huống khẩn cấp, đến từ 14 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nam Á. Nội dung khóa học tập trung vào các vấn đề về công tác quản lý như quản lý nguy cơ, quản lý tình trạng y tế khẩn cấp, truyền thông nguy cơ, ứng cứu khẩn cấp, kế hoạch ứng phó thảm họa trong bệnh viện… giúp học viên có thể áp dụng vào công tác quản lý tại địa phương, đất nước mình.
GS. TS Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng phát biểu tại buổi khai mạc |
Giảng viên của khóa học là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu và tham gia trực tiếp vào đáp ứng y tế trong các tình huống khẩn cấp đến từ ADPC, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ y tế Philippines, Trường đại học Y tế công cộng (HSPH) và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc (UN).
Mục tiêu của các khóa học PHEMAP nhằm: Tăng cường năng lực quốc gia về quản lý y tế công cộng trong tình huống khẩn cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương, đây là một khóa học toàn diện được tổ chức để cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách y tế, các nhà quản lý y tế, các chuyên gia y tế và các cán bộ tham gia quản lý các vấn đề y tế công cộng; Trang bị cho cán bộ làm công tác y tế công cộng kiến thức và kỹ năng để tham gia hiệu quả hơn trong việc hoạch định chính sách y tế quốc gia dựa trên bằng chứng thực tiễn, cũng như trong việc đưa ra hàng lọat các hướng dẫn mang tính kỹ thuật trong chương trình đào tạo của khóa học về quản lý tình huống khẩn cấp, dựa trên thỏa thuận từ thực tiễn của các quốc gia; Thúc đẩy hợp tác khu vực trong quản lý tình huống khẩn cấp không chỉ bằng cách sử dụng chương trình đào tạo và tài liệu đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ như tài liệu hướng dẫn của Sphere, WHO v.v) mà còn khuyến khích các thành viên các nước khu vực châu Á, Thái Bình Dương tiếp tục liên lạc thông qua mạng lưới chính thức và không chính thức trong các trường hợp khẩn cấp.
Phát biểu tại buổi khai mạc, GS.TS Lê Vũ Anh – Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC cho biết: “Trong tình huống thảm họa, vai trò của ngành y tế trong việc quản lý các hậu quả y tế công cộng, phòng chống bệnh tật hết sức quan trọng. Do đó, chúng ta cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực của cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực này thông qua đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong nội bộ mỗi quốc gia, trong khu vực và quốc tế. Khóa học PHEMAP 10 mở ra sẽ là một cơ hội quý giá cho cán bộ y tế các nước trong khu vực được học hỏi và chia sẻ những kiến thức về quản lý thảm họa trong y tế công cộng, góp phần nâng cao khả năng và sự chuẩn bị sẵn sàng của các quốc gia trong phòng chống thiên tai thảm họa”.
Trên phạm vi toàn cầu, trong vài thập kỷ gần đây, thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng trầm trọng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động của con người như phát triển công nghệ, đô thị hoá, bùng nổ dân số, suy thoái tài nguyên môi trường đã làm gia tăng mức độ, hậu quả do thiên tai gây ra.
Trong hai thập kỷ qua, trên thế giới, trung bình mỗi năm có hơn 200 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những thảm họa do thiên tai gây ra. Việt Nam cũng là một trong những nước hàng năm chịu ảnh hưởng của thiên tai với vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Việt Nam cũng là một trong năm ổ bão của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2007 Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Giảng viên và học viên khóa học PHEMAP 10
Nhận thức được vai trò của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa, Trường ĐHYTCC đã thành lập Bộ môn Phòng chống Thảm họa đầu tiên tại Việt Nam. Trường đã đưa nội dung giảng dạy về Quản lý y tế công cộng trong thảm họa vào chương trình giảng dạy cho Cử nhân Y tế công cộng (7 khóa) và Chương trình Thạc sĩ Quản lý bệnh viện (2 khóa). Bên cạnh đó, Trường cũng đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý và đáp ứng y tế khẩn cấp cho cán bộ y tế các cấp (1 khóa quốc gia, 2 khóa khu vực), triển khai một số nghiên cứu đánh giá tác động của thiên tai tại Việt Nam (7 nghiên cứu)
Khóa học PHEMAP được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam là một hoạt động hợp tác thiết thực, mở đầu cho những hợp tác trong tương lai của Trường Đại học Y tế công cộng với Trung tâm dự phòng chống thảm họa châu Á (ADPC) trong lĩnh vực đào tạo tăng cường năng lực quản lý y tế công cộng trong tình trạng khẩn cấp cho cán bộ y tế.
Biên Thùy