Sáng nay (31/5) theo chương trình, Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội. Cuối tuần qua, bên hành lang kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã có cuộc trao đổi với báo giới về những vấn đề “nóng” nhất của dự án Luật này. Ông Hiền cho biết:
- Đúng là hiện nay quy hoạch khai thác khoáng sản chưa tốt, trong đó có nguyên nhân phân cấp chưa tốt. Theo luật hiện hành, quy hoạch khai thác khoáng sản không rõ ràng về thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương.
Cụ thể, địa phương được quy hoạch, cấp phép ngoài vùng quy hoạch của Trung ương, trong khi Trung ương lại chưa làm quy hoạch hết, thậm chí chỗ quy hoạch thì khoáng sản ít, chỗ chưa quy hoạch thì khoáng sản nhiều.
Địa phương thấy T.Ư chưa quy hoạch chỗ nào thì tự ý quy hoạch và cấp phép, dẫn đến trong mấy năm mà có hàng nghìn giấy phép được cấp.
Đang có rất nhiều bất cập trong quản lý và khai thác khoáng sản |
Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này sẽ khắc phục tình trạng nói trên như thế nào, thưa ông?
- Dự thảo mới quy định ba loại quy hoạch: quy hoạch về điều tra cơ bản; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước và quy hoạch về khai thác chế biến khoáng sản. Tùy mỗi loại quy hoạch để ứng với việc phân quyền.
Theo đó, Bộ TN- MT làm hai loại quy hoạch đầu, bởi bộ này là cơ quan khoanh định vùng khoáng sản, xác định chỗ nào được khai thác, chỗ nào hạn chế khai thác, cấm khai thác. Bộ này cũng cấp phép và thanh tra nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Kế đó, các bộ chuyên ngành như Công thương, Xây dựng lập theo yêu cầu sử dụng để phát triển sản xuất của ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp phép hiện nay đang quá dễ dãi, quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là có chuyện dễ dãi trong cấp phép, như tôi đã nói là luật hiện hành dù đã phân cấp nhưng lại chưa rõ ràng giữa Trung ương và địa phương nên xảy ra tình trạng chỗ chưa nên khai thác hoặc hạn chế khai thác thì vẫn được cấp phép để khai thác.
DN đủ năng lực thì không được cấp phép khai thác và ngược lại, nên dẫn đến việc chuyển nhượng cho DN này, rồi lại cho DN khác.
Dự thảo luật mới quy định rõ việc phân cấp. Bộ TN&MT sẽ hoạch định vùng tài nguyên khoáng sản, vùng nào cho Trung ương, vùng nào cho địa phương. Vùng dành cho địa phương chỉ là vùng khoáng sản nhỏ lẻ, thông thường (như cát, đá xây dựng..), và địa phương chỉ được cấp phép trong vùng mà mình được hoạch định.
Còn vùng khoanh định dành cho nhà nước do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép. Nhưng đặt ra vấn đề nếu Bộ TN&MT không công bố sớm mà giữ khư khư nơi đó thì địa phương không thể cấp phép, nên đồng thời với việc ban hành Luật Khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng phải công bố sớm quy hoạch phân vùng khoáng sản, chỗ nào do nhà nước quản lý, chỗ nào giao địa phương, nếu không làm sớm sẽ sinh ra tiêu cực.
Cùng với đó là các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục cấp phép, để khắc phục tình trạng “xin – cho”, “chạy chọt” như hiện nay.
Việc đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản ở thời điểm này đã cần thiết, thưa ông?
- Đương nhiên là cần. Dự thảo Luật lần này cũng quy định về tổ chức đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, vì thực tế thế này, trong các khu vực khoáng sản qua điều tra, thăm dò, chỗ nào có khoáng sản, vùng nào phải đấu giá, còn vùng nào cấp trực tiếp.
Còn đấu giá thế nào có nhiều yêu cầu nghiệp vụ, nên Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Hiện nay, khi cấp phép cho DN khai thác thì nhà nước chỉ thu thuế tài nguyên và phí môi trường.
Thực tế, khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, khi giao cho DN khai thác, anh đã giao quyền sở hữu cho DN đó và họ sẽ có toàn quyền để định đoạt, Nhà nước chỉ thu được thuế.
Nhưng sắp tới, khi cấp phép khai thác, Nhà nước sẽ thu tiền cấp quyền khai thác mỏ, ngoài ra, anh vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ khác như thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng.Xin cảm ơn ông!
P.V (ghi)