Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Minh Yến – Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho biết: Trong 3 năm, số lượng án hành chính khu vực phía Bắc tăng nhiều, đặc biệt là án hành chính do TAND cấp tỉnh thụ lý. Nội dung khởi kiện chủ yếu là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (chiếm 80,57%), các vụ việc khởi kiện về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, lâm nghiệp, thị trường giao thông (chiếm 3,48%), về quyết định bồi thường khác (chiếm 4,48%), án hành chính khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại (8,22%)…
Số lượng án hành chính tăng nhanh là do có việc thu hồi đất để phục vụ dự án như khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng mới hoặc mở rộng các tuyến đường giao thông; do các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai đối thoại, việc giải quyết bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa đúng quy định dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện hành chính… Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước có lúc, có nơi còn chậm, chưa phù hợp với quy định của pháp luật… dẫn đến việc công dân tiếp tục khởi kiện ra Tòa án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị lãnh đạo UBND các cấp tiếp tục có những giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế là nguyên nhân làm phát sinh khiếu kiện hành chính, trong đó cần lưu ý thực hiện tốt cơ chế tham vấn ý kiến lãnh đạo các cơ quan tư pháp như VKSND, TAND cùng cấp trước khi ban hành các quyết định hành chính.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, cấp huyện trong khu vực cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát, chủ động, tích cực phối hợp nắm chắc các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các “điểm nóng” về khiếu kiện để tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị ở địa phương.