Khắc phục tình trạng đơn thư chạy lòng vòng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, người dân được thuận lợi hơn khi khiếu nại, tố cáo…là những nội dung cơ bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp hôm qua (12/7) khi cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Minh họa nguồn Internet |
Mặc dù nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết này để thay thế Nghị quyết số 228/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 và Nghị quyết số 694/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vẫn cho rằng: “Ban soạn thảo chưa tìm ra được các biện pháp hiệu quả, mang tính khả thi cao nên trong dự thảo Nghị quyết chưa có các quy định cụ thể nhằm xử lý tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo chồng chéo, trùng lắp, vượt cấp; chưa xác định được cơ chế phối hợp trong nội bộ cơ quan của Quốc hội để xử lý việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo còn lòng vòng giữa cơ quan nhận đơn với cơ quan có thẩm quyền xử lý...chưa phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.”
Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’Sor Phước đặt câu hỏi: “Khi nào ĐBQH tiếp dân, tiếp theo kiểu gì, tiếp xúc cử tri có phải tiếp dân không, đi công tác xuống địa bàn trực tiếp thăm hỏi thì có được coi là tiếp dân không? Dự thảo phải làm rõ chuyện đó”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chưa bằng lòng khi dự thảo quy định mục đích của việc tiếp công dân là “để thu thập ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư ...” đồng thời đề nghị dự thảo phải rà lại các quy định pháp luật để tránh xung đột, chồng chéo.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng đồng tình khi cho rằng mục đích tiếp dân theo dự thảo là chưa rõ. Theo bà Nương, phải quy định rõ, tiếp là để lắng nghe dân, giúp giải quyết đơn thư. Với những đơn thư của dân chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng thì cần thực hiện chương trình giám sát đối với các cơ quan giải quyết đơn thư đó. Bà Nương đồng tình cao với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết để giải quyết khó khăn cho dân, tránh tình trạng không giải quyết đơn thư hoặc giải quyết theo kiểu lòng vòng, không đôn đốc đến cùng.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội cho biết thêm: trong 4 năm từ 2009 đến 2012, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã nhận trên 88 ngàn đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân. Con số này là rất lớn. Để khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi nhận đơn. Đồng thời quy định cơ chế xử lý đơn thư, trách nhiệm các cơ quan trong xử lý đơn thư và các vấn đề về giám sát...
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung quy định về nơi tiếp công dân và trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách. Trong đó, có quy định giao Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường trực, làm đầu mối phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và nơi tiếp công dân riêng của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có).
* Cũng trong ngày hôm qua, UBTVQH đã thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý Pháp lệnh sửa đổi đã bỏ quy định DN 100% vốn nhà nước tại điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, Pháp lệnh mới quy định “Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp là DNNN được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
...Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là DNNN được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ là DN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ”.
Thu Hằng