Đông Nam Á đã trở thành một trung tâm tuyển dụng chủ chốt của IS, với hơn 500 người Indonesia và vài chục người Malaysia đã gia nhập tổ chức này và lập ra đơn vị riêng mang tên Katibah Nusantara (Đơn vị chiến đấu quần đảo Malay).
Đầu tuần này, báo chí đưa tin, 2 kẻ đánh bom tự sát người Malaysia thuộc lực lượng này đã cho nổ tung bản thân ở Syria và Iraq trong 2 tuần qua, giết chết ít nhất 30 người khác.
Mục tiêu vệ tinh
Giới lãnh đạo và chuyên gia cảnh báo, IS có thể thiết lập chỗ đứng vững chắc hoặc ít nhất là thiết lập sự hiện diện vệ tinh ở Đông Nam Á. Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo, IS có thể “lập một căn cứ đâu đó ở khu vực”, một khu vực địa lý nằm dưới sự kiểm soát thực tế của chúng giống như ở Syria hay Iraq.
Hôm 13/1, trong bài viết đăng trên báo The Straits Times, chuyên gia chống khủng bố Rohan Gunaratna (Singapore) cho rằng, IS có khả năng sẽ lập ra ít nhất một chi nhánh ở Đông Nam Á trong năm nay, Philippines và Indonesia dễ bị chọn nhất, nhưng cả khu vực sẽ gánh chịu hậu quả.
“IS quyết tâm tuyên bố kiểm soát ít nhất 1 tỉnh ở châu Á vào năm 2016”, ông Gunaratna, giáo sư công tác tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, vừa viết trên báo Singapore. “Một chỗ đứng của IS sẽ gây ra nhiều vấn đề an ninh sâu rộng cho sự ổn định và thịnh vượng của một châu Á đang lên”, ông Gunaratna viết.
Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu hàng đầu của IS là Philippines. Điều này không đáng ngạc nhiên vì Philippines đã là nơi huấn luyện các phần tử khủng bố, trong đó có Jemaah Islamiyah - chi nhánh ở Đông Nam Á của al-Qaeda.
Một số nhóm địa phương đã thề phục tùng Quốc vương tự xưng của IS là Abu Bakr al-Baghdadi, và Ahlus Shura (hội đồng) đã chỉ định Isnilon Hapilon là thủ lĩnh của nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở tỉnh đảo Basilan của Philippines và cũng là thủ lĩnh của IS ở nước này.
“Không lâu nữa, IS sẽ tuyên bố một vệ tinh của IS ở quần đảo Sulu (phía tây nam Philippines)”, ông Gunaratna viết.
Indonesia đã bị IS tấn công khủng bố hôm qua (14/1) |
Chuyên gia Gunaratna cho rằng, nếu IS thành công trong việc tạo ra một nơi trú ẩn an toàn ở Basilan và triển khai các chiến dịch từ quần đảo Sulu, các trại huấn luyện sẽ thu hút thành viên từ nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là từ Malaysia, Úc, thậm chí Trung Quốc.
Thêm vào đó, rất có khả năng IS sẽ cử các chuyên gia chế tạo bom mìn, các chiến lược gia quân sự đến Đông Nam Á.
Hậu quả là những vụ chặt đầu, giết người hàng loạt và những kiểu tấn công khác sẽ xảy ra. Để đối phó nguy cơ này, ông Gunaratna thúc giục Philippines đưa quân đội đến Sulu, Basilan và Tawi-Tawi, đồng thời chú trọng việc cải thiện quan hệ với những người Hồi giáo để giảm nguy cơ họ ủng hộ IS.
“Nếu quân đội quản lý được quần đảo Sulu, IS không thể tuyên bố, vận hành và mở rộng vệ tinh ở Philippines, liên lụy đến Malaysia, cả khu vực và xa hơn thế”, ông Gunaratna nhận định. Chuyên gia này cho rằng, một mục tiêu khác của IS là Indonesia.
Tháng trước, Tổng chưởng lý của Úc, ông George Brandis, cảnh báo IS đã xác định Indonesia là địa điểm cho “lãnh thổ hải ngoại” của IS. Đến nay, quân đội Indonesia đã ngăn chặn được các kế hoạch của IS nhằm tuyên bố một nhà nước vệ tinh ở miền đông Indonesia.
Vũ khí thu được sau cuộc đấu súng với nhóm tấn công cảnh sát Indonesia hôm qua (14/1). |
Cảnh sát Indonesia vừa cho biết, một chiến dịch mạnh tay hơn đang được thực hiện, tập trung vào Poso và các vùng xung quanh nhằm truy lùng đối tượng Abu Wardah, còn được gọi là Santoso - một kẻ hậu thuẫn nguy hiểm của IS.
Ở những nơi khác, lực lượng an ninh Indonesia cũng đã bắt nhiều đối tượng chủ chốt định tấn công, trong đó có vụ bắt nhiều tay súng ở Java vào tháng 12 vừa qua, với sự giúp đỡ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cảnh sát liên bang Úc và chính quyền Singapore, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin.
Việt Nam có thể bị ảnh hưởng
Trao đổi với Tiền Phong về nguy cơ IS mở căn cứ ở Đông Nam Á, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn nói rằng, khủng bố không phải chuyện lạ ở khu vực, vì trước đây từng xảy ra nhiều vụ tấn công lẻ tẻ.
Nhưng ông Tuấn cho rằng, IS khó có thể mở căn cứ quy mô lớn ở Đông Nam Á vì các nước như Indonesia, Philippines đều có quân đội mạnh, chính quyền mạnh và quyết tâm chống khủng bố. Theo Đại sứ Việt Nam, dù IS khó lập căn cứ lớn ở khu vực, nhưng những vụ tấn công lẻ tẻ như ở Jakarta hôm qua nếu xảy ra thường xuyên cũng có thể gây bất ổn.
Về những hậu quả Việt Nam có nguy cơ hứng chịu, ông Tuấn cho rằng, những cuộc tấn công của IS sẽ đe dọa môi trường an ninh ở khu vực, từ đó Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.