Indonesia: Ẩn họa từ những món nợ trên sàn vay trực tuyến

Một nhân viên giao dịch đếm tiền mặt tại ngân hàng ở thủ đô Jakarta, Indonesia
Một nhân viên giao dịch đếm tiền mặt tại ngân hàng ở thủ đô Jakarta, Indonesia
(PLVN) - Nhiều người Indonesia vướng vào vòng xoáy vay nợ công nghệ và tự tử khi lãi mẹ đẻ lãi con khiến họ mất khả năng chi trả.

Công nghệ tín dụng mới

Ngày càng nhiều nông dân ở Indonesia vay vốn qua các sàn giao dịch cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P). Đây là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian như các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng. Điều này, một mặt có thể mở ra cơ hội tín dụng cho 60% dân số hiện chưa thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. 

Tuy nhiên, công nghệ tín dụng mới có mặt trái. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước có thể cung cấp gói cho vay nhỏ trực tuyến mà cả những cá nhân, tổ chức cho vay từ Trung Quốc, Singapore, Canada và Mỹ cũng có thể tiếp cận khách hàng Indonesia. Chính phủ không kiểm soát được các giao dịch cho vay từ nước ngoài này. Và bi kịch "dễ vay, khó trả" bắt đầu từ đây.

Tháng trước, một tài xế taxi ở thủ đô Jakarta tự tử. Trong mẩu giấy nhắn tuyệt mệnh, người đàn ông này cho biết đã vay nợ qua sàn giao dịch cho vay ngang hàng và khi mất khả năng chi trả, anh ta bị những kẻ đòi nợ thuê truy lùng ráo riết.

Theo một tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp pháp lý Jakarta, người tài xế taxi vay 500.000 rupiah (36 USD) và rơi vào bẫy của những kẻ cho vay bất hợp pháp trên mạng. Những kẻ này hứa hẹn cho vay dễ dàng rồi sau đó tính lãi suất cao ngất đi kèm các loại phí quản lý chồng chất theo ngày. Ngoài ra, những kẻ này dùng các cách đòi nợ tiêu cực bao gồm đe dọa gia đình và bạn bè của khách hàng, thậm chí cả quấy rối tình dục.

Mochamad Yogaswara, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở tây Java, đang mắc kẹt trong đống nợ nần gần 2.000 USD với 20 nhà cho vay ngang hàng kể từ tháng 8 năm ngoái. "Tôi cần tiền để duy trì dòng tiền cho công việc kinh doanh vận tải", thanh niên 29 tuổi này nói. "Ban đầu, tôi chỉ mượn 43 USD nhưng rồi trượt dài trên con đường nợ nần và mượn ngày càng nhiều hơn đến khi số tiền nợ nần lên đến 143 USD. Khi không có tiền trả cho chỗ này, tôi sẽ xoay sang chỗ khác".

Ác mộng trả nợ

Cơn ác mộng của Yogaswara bắt đầu khi đến hạn trả nợ. Những kẻ đòi nợ thuê gọi điện cho anh hàng trăm cuộc mỗi ngày. Chưa dừng lại ở đó, chúng gọi điện quấy nhiễu người thân và bạn bè của Yogaswara, lập một nhóm trên ứng dụng gọi điện và nhắn tin WhatsApp đặt tên là: "Hãy giúp Yogaswara trả nợ" để gia tăng áp lực.

Một tên đòi nợ thuê gọi trực tiếp cho mẹ của Yogaswara và đe dọa báo cảnh sát nếu anh không trả được nợ. "Mẹ tôi cảm thấy sốc. Còn bạn bè tức giận với tôi bởi vì tự dưng họ bị liên đới", nạn nhân nói. "Những tay đòi nợ thuê phao tin rằng tôi đã biển thủ tiền của công ty và cao chạy xa bay. Chúng gọi và lăng mạ tôi suốt ngày".

Cuộc sống hoàn toàn đảo lộn, Yogaswara lo sợ đến mức không dám tâm sự với ai về tình cảnh của mình. Gia đình tưởng anh bị bệnh tâm thần, thậm chí mời cả thầy tu đến làm lễ cầu may mắn cho con trai.

Những kẻ đòi nợ thuê dùng đủ mọi cách khủng bố con nợ, không từ các thủ đoạn vi phạm pháp luật. Có kẻ gửi tin nhắn đến một khách hàng nữ, thách thức rằng nếu muốn xóa nợ, cô này có thể lột hết quần áo trên tàu điện rồi nhờ người quay video và gửi cho chúng, theo luật sư Jeanny Sirait.

"Một khách hàng của tôi nói kẻ đòi nợ thuê gửi cho cô ấy video quay cảnh hắn tự sướng. Chúng tôi luôn khuyến khích khách hàng báo với cảnh sát, nhưng nhiều người cho biết cảnh sát chỉ coi những sự việc như vậy mang tính chất dân sự".

Một người bán hàng trên vỉa hè ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ là khách hàng của các sàn giao dịch P2P vì họ không đủ điều kiện vay ngân hàng
Một người bán hàng trên vỉa hè ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ là khách hàng của các sàn giao dịch P2P vì họ không đủ điều kiện vay ngân hàng

Những trường hợp như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây khi hàng loạt các sàn giao dịch cho vay P2P mọc lên như nấm. Thống kê cho thấy tổng giá trị các khoản vay qua hình thức P2P đã tăng lên mức 1,07 tỷ USD từ tháng 12/2016 đến tháng 10/2018.

Tính đến cuối năm ngoái, ước tính có khoảng 3 triệu người vay nợ qua các sàn giao dịch trực tuyến, hầu hết là những cá nhân gặp khó khăn tài chính hoặc các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giá trị mỗi khoản vay chỉ khoảng 35 USD. Trong khi đó, có khoảng 5,6 triệu người cho vay, đa phần là các nhà đầu tư nhắm vào những phi vụ đem lại lợi nhuận lớn. Đó là chưa tính đến các dịch vụ cho vay chào mời qua tin nhắn điện thoại hoặc mạng xã hội.

"Các cơ hội đầu tư trên sàn cho vay trực tuyến P2P ở Indonesia rất màu mỡ do nhu cầu thị trường lớn", công ty tư nhân chuyên tư vấn dịch vụ tài chính OJK nhận định. "Dịch vụ này đáp ứng nhu cầu của những người không phải là đối tượng khách hàng nhắm đến của các tổ chức tín dụng và tài chính truyền thống".

Do thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng, đây là thị trường béo bở của những kẻ lừa đảo. Chỉ tính trong gần hai tháng đầu năm nay, OJK đã phát hiện 231 vụ giao dịch phi pháp, nâng tổng số vụ bị công ty này phanh phui lên 635 kể từ tháng 1/2016. Theo đó, hầu hết số vụ cho vay bất hợp pháp là do người Indonesia thực hiện, còn khoảng 40% xuất phát từ Trung Quốc.

OJK đang làm việc với ngân hàng trung ương Indonesia và các ngân hàng thương mại để tìm cách ngăn chặn giao dịch của những kẻ cho vay bất hợp pháp. Công ty này cũng làm việc với Google và Bộ công nghệ và thông tin nhằm gỡ bỏ những ứng dụng sàn giao dịch cho vay trực tuyến mờ ám.

"Một công ty có thể tạo nhiều ứng dụng trên điện thoại hoặc mở các trang web trá hình với mục đích giáo dục hoặc từ thiện, Google khó lòng phát hiện ngay từ đầu", đại diện của OJK thừa nhận.

Quay lại câu chuyện của Yogaswara, chủ doanh nghiệp này lấy ví dụ về "lãi mẹ đẻ lãi con", trong số các khoản vay từ hơn 20 chủ nợ, có một khoản trị giá 164 USD với thời hạn hoàn trả trong hai tuần. Khi đến hạn, số tiền đã tăng lên 235 USD và nửa tháng sau đó, tổng số tiền cần trả đã leo lên mức 327 USD, gần gấp đôi số tiền ban đầu. Hiện nay, công ty của Yogaswara đang đứng trước bờ vực phá sản sau khi anh đã cầm đồ gần hết tài sản cá nhân bao gồm xe hơi và xe máy. 

Các cơ quan quản lý Indonesia đang hứng chỉ trích vì không có biện pháp quản lý hình thức cho vay P2P và gián tiếp để mặc người dân đối phó với những kẻ cho vay trái phép. "Tôi ước chính phủ xem xét vấn nạn này nghiêm túc hơn", Yogaswara nói. "Nếu còn tiếp diễn, các nạn nhân sẽ trầm cảm và tự tử. Đây là một quả bom hẹn giờ".

Nhiều nhà đầu tư nhỏ mất hết tiền tiết kiệm sau khi hàng trăm nền tảng cho vay trực tuyến ở Trung Quốc đóng cửa.

Nhiều người đến từ mọi miền Trung Quốc như Quảng Đông hay Tân Cương ngày 6/8 tập trung tại Bắc Kinh để biểu tình sau khi họ bị mất tiền trên các sàn cho vay trực tuyến ngang hàng (Peer to Peer - P2P).

Sự kiện này hé lộ một góc tối của ngành tài chính mà các giới chức Trung Quốc đã để nó phát triển nhanh chóng với ít giám sát. Lời hứa về lợi nhuận hai con số đã thu hút những người muốn tìm kiếm nơi sinh lợi nhiều hơn so với các ngân hàng thông thường, theo CNN.

Sàn giao dịch cho vay ngang hàng là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay mượn tiền từ nhà đầu tư qua công cụ trực tuyến, không cần qua trung gian. Bloomberg ước tính 50 triệu người Trung Quốc sử dụng dịch vụ. Gần đây, một số trang cho vay dừng hoạt động và biến mất với tiền của nhà đầu tư, trong khi những trang khác bị chính quyền đóng cửa.

Một người quản lý dự án xây dựng 28 tuổi giấu tên ở Bắc Kinh đã đầu tư 275.000 NDT (40.000 USD) vào một sàn đóng cửa vào tháng trước có tên Tourongjia.

"Ban đầu tôi không thể tin nổi rằng trang đó lại sập. Nhưng cuối cùng, tôi đã phải chấp nhận sự thật", thanh niên nói. Số tiền bị mất bao gồm tiền tiết kiệm của cha mẹ, vay mượn từ bạn bè và số tiền mà anh định dùng để mua một căn hộ cho mình và người vợ mang thai.

Tourongjia đang bị cảnh sát điều tra. Chính phủ hồi tháng 7 thông báo chủ tịch của sàn này đã mất tích và 13 nghi phạm đang bị giam giữ. Họ khuyên các nhà đầu tư báo cáo thiệt hại cho cảnh sát càng sớm càng tốt. Đường dây điện thoại của công ty không còn hoạt động.

Các trang web như Tourongjia là phương án tiện lợi hơn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi vay tiền qua hệ thống ngân hàng thông thường, vốn thường ưu tiên công ty nhà nước hoặc các công ty lớn hay có liên quan đến chính trị.

Chính phủ Trung Quốc ban đầu khuyến khích sự phát triển của ngành này. Nhưng sau đó "nó trở thành nam châm thu hút những hành vi khai báo sai và phạm tội, những điều dễ dàng xảy ra tại các hoạt động được kiểm soát lỏng lẻo", Brock Silvers, giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải, đánh giá.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…