Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế cho biết: Có 9 hãng taxi và các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn được phát công văn về việc điều chỉnh giá và kê khai lại giá cước vận tải theo giá nhiên liệu giảm kể từ ngày 22/2/2016. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay mới có 4 doanh nghiệp vận tải thực hiện việc giảm giá cước.
Doanh nghiệp đi đầu trong việc giảm giá cước là Taxi Mai Linh. Từ ngày 26/2 sẽ giảm cước đối với loại xe 4 chỗ ngồi và từ 27/2 doanh nghiệp sẽ áp dụng giá cước mới trên toàn bộ đầu xe đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Hồ Hữu Cương – Phó Giám đốc điều hành Taxi Mai Linh cho biết: Sẽ giảm giá cước từ 2 - 4,5%; tương đương từ 300 - 500 đồng/km tùy vào cơ cấu giá thành của từng dòng xe và giá trị đầu tư. Theo đó, xe Huyndai i10 giá 11.000 đồng/km, từ km thứ 30 trở đi giá 9.000 đồng/km, đối với xe Vios giá 13.500 đồng/km, từ km thứ 30 trở đi giá 10.000 đồng/km…
Cũng theo kế hoạch từ ngày 28/2, hãng taxi Vàng (Công ty CP Phú Hoàng Thịnh) tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bắt đầu giảm giá cước, mức giá mà taxi Vàng giảm cũng giao động từ 300-500 đồng/1km tùy từng loại xe.
Đa số các doanh nghiệp cho rằng vì biên độ xăng dầu giảm xảy ra liên tục nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải dừng phương tiện để kiểm định, hoàn thành các thủ tục theo quy định như công tác như niêm phong, kẹp chì hay việc in ấn bảng giá cước…
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần bến xe Huế cho biết: Trước tết nguyên đán, khi giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải vẫn đăng ký phương án giảm giá cước theo quy định. Nhưng từ đợt giảm giá xăng, dầu vào ngày 18/2/2016 thì đến thời điểm hiện tại chưa có một doanh nghiệp vận tải nào để đăng ký phương án giảm giá cước theo quy định.
Hiện tại bến xe phía Bắc và bến xe phía Nam Huế có khoảng 77 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận tải với hơn 50 luồng tuyến cố định và có khoảng 600 – 700 đầu phương tiện xe các loại. Trong thời gian tới, Công ty sẽ ra thông báo tới các nhà xe.
Nếu nhà xe nào chậm hoặc không giảm thì bến xe sẽ công khai niêm yết tên nhà xe không giảm giá cước ở bến xe để khách hàng lựa chọn xe đi, đảm bảo quyền lợi cho người dân.”
Trong khi giá xăng, dầu liên tục giảm thì các đơn vị, doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” trong việc điều chỉnh giá cước. Khi giá xăng, dầu tăng thì các doanh nghiệp vận tải lại tăng giá cước lên theo với lý do bù lỗ.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện (Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế) cho biết: Việc chờ các doanh nghiệp vận tải tự động giảm giá là rất khó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Cần xử lý chặt chẽ với các trường hợp trì trễ hoặc không chịu giảm giá cước theo quy định.