Đồng chủ trì Hội thảo là Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy và Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Thắng. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy cho biết, để việc hệ thống hóa văn bản QPPL được bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Tư pháp đã có các công văn, tài liệu lưu ý, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ này. Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2023.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức 3 Hội nghị triển khai, tập huấn kỹ năng rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cho tất cả Bộ, ngành, trung ương và 63 địa phương. Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã cử nhiều lượt báo cáo viên để tập huấn thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL theo đề nghị của các Bộ, địa phương. Có thể thấy, công tác chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL đã được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung hoàn thiện, cập nhật kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL để bảo đảm kịp thời công bố kết quả hệ thống hóa văn bản chậm nhất là ngày 1/2/2024 đối với văn bản của trung ương; chậm nhất là ngày 1/3/2024 đối với văn bản của HĐND, UBND các cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hệ thống hóa văn bản, Bộ Tư pháp vẫn nhận được các phản ánh của các cơ quan về các vướng mắc gặp phải khi thực hiện. Đồng thời, từ quá trình Bộ Tư pháp thực hiện việc hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp cũng cho thấy cần có sự trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan, đơn vị để xác định chính xác tình trạng hiệu lực của các văn bản.
Đồng chủ trì Hội thảo là Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy và Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Thắng. |
Để nhiệm vụ hệ thống hoá văn bản QPPL trong cả nước kỳ 2019 – 2023 được thực hiện thống nhất, đúng theo quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thông tin về tình hình thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL tại cơ quan, địa phương; tích cực phản ánh các khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ, ngành, địa phương…
Báo cáo tại Hội thảo, đại diện Cục kiểm tra văn bản QPPL cho biết kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp kỳ 2019 – 2023 cho thấy, văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa kỳ 2019 – 2023 có 372 văn bản; Văn bản còn hiệu lực (bao gồm cả văn bản chưa có hiệu lực) trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 là 284 văn bản; Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 là 88 văn bản; Số liệu về văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2019 – 2023 là 47 văn bản. Văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023 là 31 văn bản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với ý kiến tại Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, đồng thời nêu một khó khăn, vướng mắc: Nhiều quan điểm khác nhau về xử lý, công bố văn bản liên tịch liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 1999; Hệ thống văn bản mật của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất nhiều nên việc tổng hợp, xác định hiệu lực gặp nhiều khó khăn; Nhiều lãnh đạo đơn vị, sở, ngành cho rằng nhiệm vụ hệ thống hóa là việc của ngành tư pháp, pháp chế nên chưa quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn đưa rra một số giải pháp để bảo đảm chất lượng của kết quả hệ thống: Cần có 1 khung điện tử để các cơ quan, đơn vị chỉ cần điền nội dung thống nhất; Công khai tối đa hóa các văn bản QPPL (giảm văn bản mật không cần thiết); Có văn bản đôn đốc gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, ngành, đơn vị để quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác hệ thống hóa.
Cụ thể, đại diện Bộ Công an cho biết, cơ quan này cũng gặp phải những vướng mắc như Bộ Tư pháp đã nêu. Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an có thể thống kê những văn bản ban hành hàng ngày nhưng việc xác định những văn bản còn hay hết hiệu lực thì chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan đơn vị. Số lượng văn bản liên tịch với Tòa án, VKS và Bộ Tư pháp nhiều, chưa có sự thống nhất với các cơ quan về việc xử lý các văn bản liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 1999; thủ tục trao đổi cũng mất nhiều thời gian, hiện giờ vẫn chưa thống nhất là bãi bằng hình thức nào.
Đại diện Bộ Quốc phòng. |
Bên cạnh đó, một số văn bản liên ngành ban hành từ lâu nhưng nội dung là phối hợp, nhưng nếu bãi bỏ thì không có cơ sở để thực hiện nên không xử lý và công bố còn hiệu lực; Bộ Công an sẽ có thêm 1 DMVB có bí mật nhà nước để gửi đến hệ thống ngành công an có thể triển khai thực hiện thống nhất.
Đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho biết cơ quan này triển khai việc hệ thống hóa văn bản từ rất sớm. Bộ Quốc phòng cũng tổ chức tập huấn trực tuyến và trực tiếp nhiều ngày về nhiều nội dung, trong đó có nội dung hệ thống hóa văn bản.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị này gặp phải một số khó khăn do Bộ Quốc phòng là đơn vị đặc thù nên mạng internet ở một số nơi bị hạn chế, không cập nhật được văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực; một số nơi chưa triển khai hệ thống hóa văn bản do liên quan tới vấn đề bảo mật, an ninh quốc gia…; cán bộ còn thiếu kinh nghiệm; số lượng văn bản hàng năm lớn…
Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy. |
Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có kết quả hệ thống hóa bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ông Huy đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bám sát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đã được Cục Kiểm tra văn bản QPPL phổ biến; Đề nghị tham mưu lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương sớm chấn chỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị để bảo đảm kết quả hệ thống hóa chính xác cao nhất có thể; mỗi cấp thực hiện phải “chỉnh tinh” kết quả để có được kết quả chính xác cao nhất; Giữ nguyên nguyên tắc, mục tiêu nhiệm vụ còn phương pháp thực hiện có thể linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình./.