Hội thảo hướng đến góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 35/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và tiếp tục thực hiện Quyết định số 2015/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 về “Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Phi - Trung Đông giai đoạn 2016-2025”.
Theo nhận định của IAMES, sự chuyển mình của Châu Phi và Trung Đông đã ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới, là đối tác quan trọng trong chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đa số các quốc gia trong khu vực chưa có được “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” thực sự bởi sự phụ thuộc, lệ thuộc vẫn còn do tàn dư của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ kết hợp với chủ nghĩa đế quốc kiểu mới.
Theo kết quả nghiên cứu IAMES cho thấy kể từ những năm 1960 đến nay, châu Phi là một trong những khu vực dễ xảy ra đảo chính nhất thế giới. Tính đến năm 2022, có đến 45 quốc gia trong khu vực đã phải hứng chịu một cuộc đảo chính hoặc nhiều âm mưu đảo chính. Tính trung bình, một quốc gia châu Phi phải trải qua bốn âm mưu đảo chính kể từ khi độc lập. Ở Trung Đông, một thập kỷ sau cuộc biến động chính trị - xã hội vào cuối năm 2010, Hiệp định Abraham tưởng như mở ra chương mới cho hòa bình khu vực. Tuy nhiên, cuộc xung đột Hamas - Israel gần đây đã cho thấy, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn còn rất xa vời. Từ thực tế nghiên cứu cho thấy, việc xây dựng hòa bình, độc lập - tự chủ trên con đường phát triển, hướng tới hội nhập và trở thành một bộ phận của thế giới là mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực châu Phi - Trung Đông.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao đã chia sẻ, trao đổi một số nội dung như: độc lập có vai trò, ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của đất nước; quan điểm của Đảng ta về độc lập trong giai đoạn hiện nay như thế nào; con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mưu cầu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho người dân Việt Nam có thể chia sẻ với các bạn bè năm châu, với Châu Phi và Trung Đông như thế nào...
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES khẳng định: “Độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại.” Với dân tộc Việt Nam, đó là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Khi tổ quốc lâm nguy trước thù trong giặc ngoài, Người khẳng định với câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có các quốc gia Châu Phi và Trung Đông.
PGS.TS Lê Phước Minh phát biểu kết luận hội thảo. |
Theo PGS.TS Lê Phước Minh, ngày nay trong bối cảnh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi ngay trong nội bộ Đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn vững vàng lập trường, bản lĩnh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mỗi cấp, ngành và địa phương, mọi lực lượng và cả nước nói chung, mỗi cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng cần tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...
Nhân dịp này, IAMES tổ chức Lễ tri ân các thế hệ cán bộ nhân viên của Viện qua các thời kỳ, Đại sứ quán các nước Châu Phi-Trung Đông, các cơ quan, tổ chức, đối tác, chuyên gia, đồng nghiệp trong nước và quốc tế đã luôn đồng hành với IAMES. Sau 20 năm thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tư vấn, đào tạo sau đại học, có nhiều thành quả và đóng góp trong sự nghiệp nghiên cứu khu vực, lĩnh vực; thúc đẩy mở rộng các quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực châu Phi và Trung Đông. Thực hiện Nghị định số 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ, IAMES sẽ hợp nhất với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi kể từ đầu năm 2024.