Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn khu vực năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 đạt mức khá. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn, tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, tạo đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành khác phát triển.
Tình hình giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi tiêu dùng của người dân là ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, mạng lưới kinh doanh thương mại được mở rộng từ thành thị đến nông thôn với sự tham gia của các thành phần kinh tế với nhiều loại hình và phương thức kinh doanh đa dạng phù hợp với năng lực, trình độ của doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm thực hiện, thời gian giải quyết các thủ tục đúng theo quy định. Sở Công Thương các tỉnh cũng quyết liệt phối hợp triển khai công tác tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề kết nối cung cầu, tìm và phát triển thị trường cho sản phẩm. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, khi xuất khẩu hàng hóa, nông sản phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.
“Nếu thị trường trong nước có những yêu cầu, đòi hỏi nghiêm ngặt hơn chắc chắn hoạt động sản xuất cung ứng hàng hóa sẽ được doanh nghiệp quan tâm, tuân thủ và từ bỏ thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện trước đây”, ông Kiên nhấn mạnh đồng thời cho rằng trong công tác đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì nên thay đổi thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nhằm đổi mới và phản ánh đúng tình hình thực tế.
Bàn về vấn đề xuất khẩu, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ký Hiệp ước với Trung Quốc trong việc tiêu thụ hàng hóa, có biện pháp ràng buộc phía Trung Quốc đảm bảo tính ổn định trong việc ký kết hợp đồng mua bán để đảm bảo tính ổn định cho thị trường. Ngoài ra, các đại biểu còn kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chuẩn xây dựng các trạm xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thì đề nghị Sở Công Thương các tỉnh Tây Nam Bộ phải tận dụng thế mạnh về nông - thủy sản để tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm. Qua đó, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuộc hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Chú trọng xây dựng những “cánh đồng lớn”, phát triển các mô hình lúa – cá có giá trị cao hơn, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản, gạo thành phẩm”, ông Vượng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương trong vùng tăng cường công tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo đầu ra cho sản xuất.
Song song đó, ông cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy phát triển khu cụm công nghiệp, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để giải quyết vấn đề cân đối năng lượng của quốc gia và vùng. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, TP HCM và TP Cần Thơ với với vai trò là đầu tàu toàn khu vực, phải phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, tạo sự phát triển toàn diện bền vững cho khu vực, đồng thời chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với nước ngoài.