“Đưa giáo dục kỹ năng sống vào một số môn học như thế nào? Làm sao để không gây quá tải đối với học sinh?...” - đang là vấn đề đặt ra với nhà trường khi hàng ngày, tại các thành phố lớn, các bậc phụ huynh vẫn say sưa đi luyện... kỹ năng.
Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ triển khai đại trà chương trình giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông.
Làm sao để kĩ năng sống trở thành một nét riêng của mỗi học sinh... |
"Mốt"... kỹ năng sống
Cùng với đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, uống rượu, tiêm chích ma tuý, quan hệ tình dục sớm..., thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Nhiều em học giỏi, nhưng ngoài điểm số cao thì khả năng tự chủ và kỹ năng giao tiếp lại rất kém. Các em sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí liều lĩnh từ bỏ cả mạng sống...
Và dường như câu chuyện kĩ năng sống đã trở thành cái “mốt” đề người ta nghĩ tới. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, sở dĩ các em hành xử như vậy vì các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém... Các em không được dạy để hiểu về giá trị của cuộc sống. Trong khi đó, các giáo viên đến lớp chỉ mỗi việc đọc cho học sinh chép, hết giờ thì ra khỏi lớp một cách vô cảm.
Nắm bắt nhu cầu xã hội, hàng loạt các trung tâm, khoá học dạy kỹ năng sống đua nhau “mọc lên như nấm sau mưa”. Có thể kể đến Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường đội Lê Duẩn, Trung tâm ABS Training, Eveil, Skids Club... Các trung tâm này, chiêu sinh đủ mọi lứa tuổi, thậm chí, có khoá học chiêu sinh trẻ ở tuổi lên... 3.
Mức học phí cũng đủ mức, tùy theo các chương trình, các khoá học: Từ 5 buổi/tuần hay từ 1 đến 2 năm... Hầu hết, nội dung các chương trình học vẫn nặng về lý thuyết, kết hợp hỏi - đáp, giống như sinh hoạt chuyên đề tập thể hơn là thực hành để rèn luyện hay sở hữu kỹ năng. Gần đây, có thêm một số công ty dạy kỹ năng sống nhưng nội dung vẫn chỉ loanh quanh ở các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, dẫn chương trình...
Chưa hết áp đặt?
Bà Lê Thị Minh Châu, chuyên gia phát triển thanh thiếu niên Unicef Việt Nam - người đã tham gia Dự án “Thúc đẩy Sự phát triển của Trẻ em và Thanh thiếu niên” (2006-2010) chia sẻ kinh nghiệm: Hiện có ít nhất 70 quốc gia đang phát triển có đưa KNS vào chương trình học chính khóa, dưới hình thức môn học riêng hoặc lồng ghép, tích hợp vào môn học. Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng đã xuất hiện loại hình này song chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Dạy thêm kỹ năng sống nhưng không tăng tiết
Theo Tiến sĩ Lưu Thu Thủy - Viện Khoa học Giáo dục: Có thể giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong tất cả các bài học mà không cần phải đưa thêm thông tin, kiến thức và tăng thời gian tiết học như một số băn khoăn của giáo viên. Việc đưa và tăng cường giáo dục các kỹ năng sống vào môn Giáo dục công dân là thực hiện được và phải phù hợp với môn học. Bà Thủy nêu ví dụ về việc giáo dục kỹ năng sống trong môn Giáo dục công dân nhằm: Giúp học sinh biết sống và ứng xử phù hợp với các mối quan hệ với người thân, bạn bè, cộng đồng, đất nước... Giúp học sinh biết sống tích cực, chủ động, hài hòa, lành mạnh, có kỷ luật, có kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật; phòng tránh những tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các em... |
Tuy nhiên, bà Châu cũng cho biết, một trong những vấn đề giáo viên băn khoăn nhất là liệu việc đưa Giáo dục kỹ năng sống vào các môn học có làm nặng thêm chương trình phổ thông vốn dĩ đã quá tải hiện nay. Thêm nữa, mặc dù, giáo viên hết sức nhiệt tình, nhưng chỉ biết làm một cách máy móc theo đề cương hướng dẫn. Cũng hỏi đáp, hát hò, trẻ cũng thích nhưng không có một sự thay đổi sâu sắc. Thầy vẫn là một “nhân vật có quyền lực” và trò vẫn làm theo lệnh... Vì thầy cô chưa thoát khỏi cách làm của giáo dục áp đặt.
Muốn dạy kỹ năng sống phải học kỹ năng dạy
Qua 1 năm thực hiện tăng cường giáo dục kỹ năng sống ở tiểu học, nhiều giáo viên cho rằng: Việc đưa Giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy là rất cần thiết, giúp học sinh tự tin hơn, có trách nhiệm hơn. Tiết dạy hiệu quả hơn khi học sinh say mê với môn học, bài học cũng bớt khô cứng, cuốn hút học sinh hơn. Học sinh có nhiều cơ hội thảo luận để đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều giáo viên bất ngờ trước khả năng sáng tạo của học sinh.
Bà Minh Châu cũng bày tỏ: Điều thuận lợi khi triển khai Giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở trường phổ thông là Bộ Giáo dục đã có sẵn một số kinh nghiệm và tài liệu về kỹ năng sống, với sự vào cuộc của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Giáo viên 3 miền cũng đã được tập huấn về vấn đề Giáo dục kỹ năng sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những khó khăn cho giáo viên như: Chương trình giáo dục phổ thông đã ổn định, bài giảng kỹ năng sống được biên soạn bổ sung sau, nhiều giáo viên chưa được tiếp cận nên việc áp dụng chưa đồng bộ. Với kinh nghiệm của mình, bà Minh Châu cho rằng, với tâm lý của nhiều phụ huynh và học sinh là “có thi mới học” thì cần đưa Giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa để đánh giá và kiểm tra thì mới hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Thực tế, hiện nay Giáo dục kỹ năng sống cũng chỉ mới được tích hợp vào môn số môn học, bài học. Lâu nay, chúng ta không coi trọng Giáo dục kỹ năng sống, chưa coi trọng việc “Học để biết - Học để làm”, cụ thể là việc học sinh sẽ được gì sau khi lĩnh hội những kiến thức nặng về lý thuyết, chưa có kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh sau khi học. Bộ sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể hơn về Giáo dục kỹ năng sống trong môn học. Hay nói cách khác, giáo viên muốn truyền đạt kỹ năng sống tới học sinh thì trước hết phải được học về kỹ năng dạy. Và đó cũng là mong muốn của nhiều học sinh, phụ huynh.
Một điều quan trọng nữa là, theo bà Minh Châu, không phải lứa tuổi nào học kỹ năng sống, cũng không phải kĩ năng sống chỉ học qua những cuốn sách, mà là sự nhuần nhuyễn qua các môn học khi còn rất nhỏ, qua cuộc sống mỗi ngày để trở thành một điều gì đó rất riêng của mỗi người, làm xã hội trong lành và tốt đẹp hơn...
Sách đạo đức “tự chế” gây hoang mang Thông tin về cuốn sách có tên “Tập bài đạo đức dành cho học sinh trường THPT Đồng Hòa” (gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và học sinh phải viết bài thu hoạch để nộp lại để thầy cô chấm điểm sau mỗi buổi học) dành cho học sinh của Trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) chứa nhiều nội dung sai lệch, cách diễn đạt ngô nghê, đang là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc khi biết được cuốn sách này lại được viết ra với mục đích “giáo dục, định hướng kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp” của cô hiệu trưởng. Có nhiều ý kiến tỏ ra bất bình khi đọc nội dung của cuốn sách và tỏ ra nghi ngờ trước trình độ của người biên soạn cuốn sách này. Ngay bài đầu tiên, với tiêu đề “Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng” tác giả đưa ra nội dung như sau: “Tục ngữ có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”. Trong bài: “Cách ứng xử với ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác”, tác giả viết: “Biết ơn ông bà, các cháu phải nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe)”. Bài “Tình yêu”: “Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng?!” và “Xã hội thời xa xưa trọng nam khinh nữ, người con gái không được học hành, phải lo việc nhà, việc đồng áng, lo dệt vải, thêu thùa may vá. Tuổi thọ của con người hồi ấy trung bình chỉ 40-45. Vì vậy thời xa xưa người ta lập gia đình rất sớm, nam cỡ 16 tuổi, nữ cỡ 13 tuổi (Nữ thập tam, nam thập lục)”. Trong bài “Cách ăn uống” lại có đoạn “Tóm lại, ta phải ăn uống điều độ, đúng giờ, hợp vệ sinh thì mới có lợi cho sức khỏe, không sinh bệnh tật. Ta phải luôn nhớ câu tục ngữ: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn””... |
Uyên Na