Cứ vào đầu năm học, điệp khúc “tiền trường” lại lặp đi lặp lại trong nỗi ám ảnh, hoang mang của không ít phụ huynh. Năm nay, khi mà giá cả leo thang, giá vàng “nhảy nhót” thì các khoản lạm thu càng trở nên căng thẳng và hồi kết dường như còn xa lắm...
Bên cạnh niềm vui tới trường của trẻ thơ là nỗi lo tiền trường của phụ huynh |
Trường dân lập: Trên trời
Biết là chi phí học tại trường dân lập sẽ cao hơn trường công, nhưng bước vào năm học 2011-2012, chị T.H. - một phụ huynh học sinh (PHHS) của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm vẫn không tin vào mắt mình trước khoản phí nhập học “khổng lồ” của con gái. Mỗi tháng con đi học tốn gần 5 triệu đồng. Đã vậy nhà trường lại không cho nộp từng tháng mà yêu cầu PHHS phải đóng luôn 3 tháng một lần. Tổng cộng đầu năm học, chị đã phải đóng khoảng 20 triệu đồng (học phí, đồng phục, sách vở...). “Hôm đi đóng tiền, chúng tôi dắt túi hơn 10 triệu, cứ ngỡ dư dả lắm. Không ngờ vẫn thiếu. Bố cháu phải ra ngân hàng rút thêm tiền...” - chị T.H. than thở.
Tương tự, Trường Tiểu học Brendon cũng quy định PHHS nộp phí theo từng học kỳ (2 kỳ/năm). Đầu năm học, mỗi HS đã phải nộp khoảng trên 25 triệu đồng bao gồm 18 triệu đồng học phí/học kỳ, tiền ăn 5 triệu/học kỳ, tiền xây dựng trường 2 triệu/năm học... và hàng loạt chi phí khác như đồng phục, phí tham quan dã ngoại, SGK...
“Đâm lao phải theo lao” là tâm trạng chung của nhiều PHHS khi gửi con vào trường dân lập. Một PHHS kể, gần như không năm nào mà chi phí trường tư không tăng. Tại Trường Đoàn Thị Điểm, khi mới gửi con vào trường, mức học phí khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng. Về sau học phí tăng lên 500.000 đồng/tháng. Năm 2008 tăng lên 900.000 đồng. Đầu năm học 2011 này, nhà trường thông báo các khoản phí tăng khoảng 20% so với năm 2010.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, năm học 2011-2012, cũng áp dụng mức học phí mới là 2,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, PHHS còn phải đóng tiền bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền quỹ đầu tư, phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, quỹ khuyến học 200.000 đồng/năm, quỹ họat động Sao - Đội... Cộng các khoản, chi phí đều tăng so với năm trước.
Trường Tiểu học quốc tế Việt Úc, năm học 2010-2011, thông báo học phí 1 năm học (10 tháng) là 55,4 triệu đồng, quỹ hỗ trợ phát triển trường: 5,54 triệu đồng/năm học. Năm học 2011-2012 , học phí đã tăng lên mức 61,95 triệu đồng, quỹ hỗ trợ phát triển trường là hơn 7 triệu đồng...
Tương tự là Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, ngay sau khi kết thúc năm học cũ đã có thông báo mức phí năm học mới cũng sẽ tăng từ 180 USD lên 200 USD/tháng...
Về nguyên tắc, các trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, thu phí trên cơ sở thỏa thuận với gia đình HS. Nhưng thực tế, nhiều PHHS cho biết, họ không được “thỏa thuận”, “bàn bạc” mức học phí mới mà “trường bảo sao nghe vậy”. Trường đưa quy định thu gộp chi phí nhiều tháng mà không hỏi ý kiến PHHS có đồng ý không. “Lẽ ra, nếu PHHS đóng gộp nhiều tháng thì phải được giảm tiền vì nhà trường đã chiếm dụng vốn của HS. Chúng ta khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Nhưng, nếu cứ như thế này thì chỉ gia đình giàu có mới dám trụ lại trường tư thục” - một PHHS than.
Trường công: Tận thu
Theo quy định của Luật Giáo dục thì ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác, nhưng thực tế tại các trường học vẫn tồn tại các khoản thu ngoài luồng. Trung bình mỗi học sinh phải nộp quỹ lớp khoảng 500.000- 700.000 đồng/kỳ, thậm chí còn cao hơn. Và chưa kể, nếu chi phí phát sinh thì các phụ huynh phải nộp thêm. Những khoản thu này được sử dụng để trang trải những hoạt động sinh hoạt của lớp chẳng hạn như mua điều hòa, mua chăn ấm, mua rèm cửa, khen thưởng học sinh, tặng quà thầy cô giáo, phục vụ các hoạt động tập thể, tổ chức sinh nhật các cháu... tất thảy đều đổ đầu phụ huynh.
Ngay câu chuyện đồng phục cũng là cả vấn đề. N.M.H. - học sinh Trường THPT Chu Văn An cho biết, năm nay đồng phục của trường lên giá đáng kể. H. cho biết nếu như áo Vest năm 2010 chỉ 300.000 đồng/áo thì năm nay đã lên đến 500.000 đồng/áo. H. tính toán, nếu như mua đủ các loại đồng phục của trường thì năm nay phải đến trên 3 triệu đồng. Thậm chí, từ hè nhiều trường đã có những khoản tận thu.
Chị N.M., có con năm nay vào lớp 4 Trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội). Hè vừa rồi, chị khấp khởi mừng vì con chị được thông báo vào đội tuyển của trường, đi bồi dưỡng hè. Niềm vui của chị chưa đầy thì nhà trường thông báo số tiền phải nộp để bồi dưỡng cho các con và tiền học hè lên tới trên 2 triệu đồng. Không những thế, chị còn được biết, trường có đến vài lớp vào đội tuyển bồi dưỡng. Còn tại trường tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình, Hà Nội), từ đầu tháng 8, học sinh bắt đầu học hè cũng phải đóng cho trường 2 triệu đồng. Trong đó, 1,2 triệu là tiền đóng cho lớp học công nghệ cao, đồng phục và gần 900.000 đồng tiền bán trú.
Tại Trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), trước khi vào năm học mới học sinh cũng “góp” 1,8 triệu đồng cho tiền quỹ vì phải đầu tư cơ sở vật chất cho lớp bán trú như: mua điều hòa, bàn ghế, chăn chiếu...
Ban đại diện... “nhà trường”?
Chị Lê Minh Hồng, có con học Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: “Tôi làm trong ban phụ huynh, đôi khi cũng có ý kiến về những khoản thu chi của lớp nhưng cô giáo bắt phải theo ý cô thì chúng tôi cũng đành chịu. Ví dụ, tiền photo tài liệu lớp con tôi lên đến 2,5 triệu đồng/năm là quá nhiều, cô giáo chủ nhiệm bắt phải chi những khoản vô lý, còn gợi ý ban phụ huynh mua quà trung thu nữa”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về nguyên tắc, việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) phải đảm bảo dân chủ, công khai. PHHS có thể từ chối nộp những khoản thu không hợp lý mà ban đại diện CMHS đưa ra. Nhưng PHHS luôn bị đặt vào tình thế “nộp mà không tự nguyện” thay vì phản ứng để “làm khó con mình”.
Cách đây ít lâu, Sở GD&ĐT Bắc Giang từng tiên phong lấy ý kiến PHHS về mức độ hài lòng đối với ban đại diện CMHS và nhà trường. Buổi làm việc diễn ra bí mật và không có đại diện nhà trường tham dự. Kết quả cho thấy PHHS không đồng tình khi quỹ CMHS nhưng lại thu những khoản tiền lẽ ra thuộc về trách nhiệm của nhà trường như tiền điện, nước, tiền ngoại giao...
Buổi làm việc đã giúp cho Sở này phát hiện những việc làm chưa đúng của phía trường như thông qua PHHS để thu các khoản tiền gọi là “tự nguyện”. Ban đại diện CMHS thực chất là nhóm người đứng về phía nhà trường, trách nhiệm Ban CMHS mờ nhạt và chủ yếu là “thu tiền” là chính.
GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, muốn giải quyết bài toán lạm thu trong giáo dục thì phải “Luật hóa” quy định “chống lạm thu”. Cần nghiêm cấm các khoản thu ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh. Hội CMHS không được thu các khoản thu “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường. Thay vào đó, GS.Thuyết đề xuất nghiên cứu thành lập các Quỹ phát triển giáo dục tại địa phương. Tổ chức, cá nhân có điều kiện có thể trực tiếp đóng góp, ủng hội theo hình thức cá nhân cho trường thông qua quỹ này hoặc có thể đóng góp thẳng cho trường. Nhà trường phải công khai thu nhận và sử dụng quỹ đó. Việc đóng góp này phải mang tính cá nhân chứ không phải huy động “tự nguyện” tràn lan, bổ đầu PHHS như hiện nay.
Đối với các khoản thu trái tuyến, GS.Thuyết cho rằng, chúng ta không thể cấm HS học trái tuyến và thực tế, HS học trái tuyến vẫn đang phải nộp một “khoản phí ngầm”. Số tiền này nhiều khi không nhập vào tài khoản của nhà trường mà rơi vào túi một vài cá nhân. Vì vậy, thay vì không công nhận, ngành GD nên quy định một mức phí tiền trái tuyến công khai, thống nhất giữa các trường.
3 giải pháp chấn chỉnh lạm thu
Về giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường phổ thông, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết có 3 nhóm để thực hiện gồm: Công khai tài chính để minh bạch hóa dự toán và quá trình thực hiện thu chi trên cơ sở tăng cường giám sát của gia đình, người học và xã hội; phối hợp UBND các địa phương, các bộ ngành có trường tăng cường kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình năm học; tổ chức đoàn kiểm tra của Bộ để kịp thời phát hiện và xử lý lạm thu. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học không phải đóng góp gì khác. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ quy định 2 khoản không được nhận hỗ trợ từ học phí của HS để việc thực hiện chống lạm thu tốt hơn, đó là không được dùng tiền hỗ trợ chi cho các hoạt động giáo dục và thưởng cho cán bộ, giáo viên và nhân viên. |
Uyên Na