Chưa bao quát hết đối tượng của các giao dịch bảo đảm
Trước đây, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP mới chỉ có quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực của giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mà chưa bao quát hết các giao dịch bảo đảm có đối tượng là các bất động sản khác như nhà ở, công trình xây dựng hoặc đối tượng là động sản, dẫn tới có cách hiểu khác nhau về xác định thời điểm có hiệu lực của các giao dịch này.
Về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, BLDS năm 2005 đã ghi nhận nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện nhưng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể cơ chế pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định này cũng cho thấy, hiện còn một số Văn phòng đăng ký đất đai, Tòa án cho rằng, việc thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác là quan hệ bảo lãnh nên đã từ chối đăng ký hoặc tuyên vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp tài sản được ký dưới hình thức này.
Liên quan đến cầm cố tài sản đặc thù, như trường hợp sử dụng thẻ tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng để cầm cố bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với cá nhân, pháp nhân khác cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Nghị định chưa quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và các cá nhân, pháp nhân đã nhận cầm cố thẻ tiết kiệm. Do đó, trên thực tế nếu bên cầm cố thẻ tiết kiệm có nghĩa vụ trả tiền khác, đặc biệt là nghĩa vụ trả tiền cho tổ chức tín dụng phát hành thẻ tiết kiệm, thì tổ chức tín dụng này có thể ưu tiên khấu trừ số tiền gửi trước, gây ảnh hưởng đến quyền của bên nhận cầm cố...
Làm rõ điều kiện giao dịch bảo đảm có hiệu lực
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, BLDS năm 2015 đã có nhiều quy định mới về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm so với BLDS năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Cụ thể, BLDS năm 2015 đã tách bạch giữa thời điểm giao dịch bảo đảm có hiệu lực và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba; bổ sung cơ chế pháp lý về xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Bổ sung 2 biện pháp bảo đảm mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản …
Với những điểm mới này, cần có Nghị định mới thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể, tạo sự thuận lợi, thống nhất trong áp dụng pháp luật. Đồng thời góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí trong áp dụng, thi hành quy định của BLDS năm 2015, luật khác có liên quan về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm theo hướng làm rõ các yếu tố xác định điều kiện có hiệu lực của giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; căn cứ xác định giao dịch bảo đảm vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Xác định rõ hiệu lực đối kháng với người thứ ba đồng thời có cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Cùng với đó, cần xác định rõ phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm là một phần hay toàn bộ nghĩa vụ, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác, một tài sản bảo đảm thực hiện một hay nhiều nghĩa vụ. Làm rõ cơ chế pháp lý xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm mà đối tượng tài sản bảo đảm có tính chất đặc thù như tài sản bảo đảm liên quan đến tài khoản ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kho ngoại quan, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ…
Ngoài ra, cũng cần xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai; vấn đề bảo lãnh; bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản; các điều kiện pháp lý trong trường hợp bên nhận bảo đảm là cá nhân hoặc tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng…