Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1981 tại Thuận Thành, Bắc Ninh, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2003 và trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008, hiện sống và làm việc tại Gia Lâm, Hà Nội. Anh từng có 3 cuộc triển lãm cá nhân về tranh và sắp đặt, tham gia nhiều triển lãm nhóm. Với Hoàng, nghệ thuật không chỉ là tấm gương để người đời trang điểm mà còn là ánh sáng phản chiếu vào để họ thấy mình rõ hơn. Vậy nên với tất cả sự nghiêm túc, Hoàng đã đặt sự vẽ vào trong một hành trình nghiên cứu. Nghiên cứu về đề tài, về bút pháp, về hòa sắc…, và mỗi giai đoạn sáng tác quả thực là một nỗ lực tìm tòi không ngừng của người họa sĩ.
Từ những mảnh ghép nhiều mặt đến những chuyển động giằng xé của nhân dạng
Khác với nhiều họa sĩ khác, Xuân Hoàng coi kĩ thuật chỉ là phương tiện biểu đạt, và con đường dài của một người nghệ sĩ đích thực phải là hệ thống tư tưởng được xác lập trên từng chặng đường của anh ta. Bởi vậy mà sau một thời gian tham gia các chương trình sắp đặt, trình diễn, Xuân Hoàng quay trở lại với hội họa và dồn tất cả năng lượng của mình để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thôi thúc anh hàng ngày: điều gì ám ảnh con người trong cõi nhân sinh? Và cuối cùng, anh hiểu ra rằng, con người với vẻ đẹp đẽ hay nhơ bẩn của nó, với nỗi đau đớn nhục nhằn hay vinh quang hạnh phúc của nó, cũng đều đáng thương cảm. Người họa sĩ muốn phơi tỏ nỗi thống khổ của loài người trong tác phẩm của mình.
Tác phẩm Ngày tàn của những thần tượng |
Và thế là, thế giới hội họa của Nguyễn Xuân Hoàng đã mở ra những tiếng gào thét đầy bất ổn, những diện mạo người phẫn nộ cuồng điên, những cuộc chiến giữa nhiều người và trong chỉ một người, những tiếng vang buốt óc và cả những thinh lặng tột cùng. Serie tranh “Những nhân dạng nhiều mặt” ra đời cách đây khoảng hơn 1 năm đã bắt đầu cho ý tưởng ấy. Đó là những gương mặt người không rõ đang hoảng hốt, gào rú hay nộ cuồng tê dại, chỉ biết rằng chúng như đang bị bóc tách từng lớp mặt để thấy rõ một tổng thể đa dạng phía bên trong. Những chuyển động của cơ mặt, những màu sắc nhập nhằng xen lẫn trên từng nhân diện đã tạo ra thứ âm thanh như tiếng gào thét trong tranh Hoàng. Tiếng thét chói tai, nhưng đôi khi có cảm giác những thanh âm dữ dội ấy ngưng bặt để chỉ còn lại những khẩu hình. Nín thinh, nhưng lại gầm gào bùng xé hơn bao giờ hết.
Không dừng lại ở đấy, Xuân Hoàng luôn tìm cho mình những ý tưởng mới, sự chuyển tiếp và nối dài trên cơ sở những suy tưởng ban đầu. Sau những nhân diện nhiều lớp lang màu sắc, sau tiếng thét chói tai là những nhân dạng kéo giãn và co cụm. Các bức tranh như “Cảnh hoàng hôn của một đế chế”, “Bữa tiệc cuối”, “Truyền thuyết khác”, “Giấc mơ lạ” hay những bức sau này như “Ngày tàn của những thần tượng”, “Kéo bầy về làng”, “Kiểu khó tới của tinh thần độc trị”, “Mặt trái của uy quyền”…, bằng tạo hình và hòa sắc, đã như phá vỡ bề mặt yên ổn của một bức tranh, cũng là bề mặt tưởng như an bình của thực tại. Xuân Hoàng không muốn diễn tả một thế giới thơ mộng, bởi với anh, cái găm lại trong thăm thẳm nhân sinh không gì nhức buốt hơn một thế giới của những tượng thần, những quyền uy đang sụp đổ, không gì buồn bã hơn một “bữa tiệc cuối”, một “cảnh hoàng hôn” rực rỡ bi tráng, một thứ quyền lực đang ở cái ranh giới cuối cùng trước khi rơi xuống vực thẳm. Tranh của Hoàng đã tái hiện lại sự hùng vĩ hào nhoáng và đẹp đẽ kiêu bạc của cái thế giới dường như sắp đổ nát hoang tàn. Anh bị ám ảnh bởi vẻ đẹp của những thứ sắp mất, những quyền uy có nguy cơ bị tước bỏ, những tượng thần bị phá nát, những lòng tin bị bội phản. Và tất cả đi vào trong tranh của anh như một giấc mơ huy hoàng.
Tác phẩm Mặt trái của uy quyền |
“Đơn giản thôi: tôi tự do”
Nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, nhưng trong hội họa của Nguyễn Xuân Hoàng lại hiển hiện rõ nét cái sự chơi đầy tính ma thuật của màu sắc. Như một đạo diễn nghiêm khắc song cũng chính là người nhạc trưởng tài hoa và đầy ngẫu hứng, dường như Hoàng đã lập một trò chơi cho bản giao hưởng màu sắc của mình, ở đó những nốt nhạc trầm bổng, những tiết tấu nhanh chậm, những nhịp phách được tính toán kĩ lưỡng song không mất đi vẻ đẹp lãng mạn của nó. Bản nhạc của Hoàng bởi vậy mà vừa hài hòa vừa linh động, vừa chắc chắn vừa mềm mại, vừa lấp lánh vừa ẩn giấu.
Tác phẩm "Kéo bầy về làng" |
Họa sĩ Xuân Hoàng nói: “Cuối cùng sau ngần ấy năm quay cuồng với nó thì hội họa đã cho tôi điều gì? Đơn giản thôi: tôi tự do. Có trời mới biết rồi cái gì sẽ lại được sinh ra. Cứ phải hành động thôi, đó là cốt lõi của mọi thành quả”. Và hàng ngày, anh say sưa bên tấm toan trắng. Màu sắc chính là suy nghĩ, là tự do của người họa sĩ. Một bức tranh đủ nhỏ để Hoàng có thể dụng bút bày tỏ suy nghĩ của mình nhưng cũng đủ rộng lớn để anh có thể bay xa trong đó như một cánh chim đang tự khúc hoan ca.
“Khi tạo hình, những nét đầu tiên nhiều khi có vẻ vô nghĩa nhưng khi nó được giữ lại thì nó sẽ cùng những nét sau tạo ra gì đó có nghĩa. Nếu để riêng biệt, chúng chả là gì, nhưng khi được luồn vào nhau, gối lên nhau chạy đều về một hướng thì chúng sẽ mang lại cho ta những điều bất ngờ”, Xuân Hoàng tâm sự. Từng nét vẽ đã được giữ lại, từng ý tưởng được nghiền ngẫm, chúng đưa đẩy một cách vừa có ý thức vừa vô thức đến những miền đất mới của sáng tạo. Thế nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Có những bức vẽ đã bị đốt bởi chúng không làm thỏa mãn người họa sĩ. “Không sao cả, nhìn lửa cũng đẹp”, Xuân Hoàng nói. Nếu bức tranh không rực rỡ theo cách người họa sĩ muốn, chúng thà rực rỡ cháy trong lửa.
Đơn giản thôi, chỉ khi rực rỡ như vậy, người họa sĩ ấy mới có được tự do.