Là người khởi xướng cho Cuộc thi viết về hòa giải tại Việt Nam, bà có thể chia sẻ với chương trình và nội dung cuộc thi này dành cho sinh viên các trường luật?
- Cuộc thi dành cho tất cả sinh viên luật theo học toàn thời gian tại các cơ sở đào tạo luật Việt Nam với bậc học cử nhân trở xuống, chưa hành nghề luật sư, không hạn chế độ tuổi, nhằm tăng cường sự quan tâm của sinh viên đối với lĩnh vực hòa giải thương mại, nâng cao trình độ kỹ năng của luật sư bảo vệ thân chủ trong quá trình hòa giải cũng như nâng cao chất lượng của văn bản hòa giải được gửi đi trước khi tiến hành hòa giải.
Theo đề thi, sinh viên luật được mời viết một bản tóm tắt hòa giải bằng tiếng Anh không quá 2.500 từ để gửi cho hòa giải viên, thay mặt cho khách hàng chuẩn bị tham gia phiên xử lý tranh chấp bằng hòa giải. Thời hạn nộp bài là 23 giờ 59 phút ngày 31/10/2024. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 8/12/2024 và trao giải toàn cầu vào ngày 12/12/2024. Giải nhất sẽ được trao giải thưởng tiền mặt trị giá 25.000.000 đồng; Giải nhì: 10.000.000 đồng; 02 Giải ba: 5.000.000 đồng.
Sinh viên dự thi sẽ được tham gia các webinar (hội thảo trực tuyến) do các chuyên gia hòa giải quốc tế của Quỹ Weinstein International và các chuyên gia hòa giải tại Việt Nam thực hiện nhằm đào tạo, trang bị kiến thức và kỹ năng cho các luật sư hòa giải tương lai tại Việt Nam; và được kết nối với mạng lưới sinh viên toàn cầu trong khuôn khổ Cuộc thi này do Quỹ Weinstein International tổ chức, mở ra nhiều cơ hội giao lưu học tập mang tính chất toàn cầu trong tương lai.
Bà có thể cho vài nhận xét về vai trò của hòa giải viên cơ sở hiện nay và cần đổi mới gì để các hòa giải viên làm tốt hơn nữa?
- Vai trò của hòa giải viên cơ sở rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở cấp độ địa phương. Họ đóng vai trò như những cầu nối giúp các bên liên quan tìm ra tiếng nói chung và giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình. Qua quá trình hòa giải, người dân được phổ biến pháp luật, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, hòa giải viên cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, hòa hợp.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân. Việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên là rất cần thiết, ví dụ như tổ chức các khóa đào tạo thường xuyên để cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết xung đột; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực hòa giải viên; xây dựng quy trình hòa giải chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng loại hình tranh chấp; tăng cường công tác tuyên truyền… Đây là những giải pháp cần thiết để xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định.
Một nền tranh tụng văn minh là con đường phải bắt đầu từ hòa giải. Nhưng tại sao ở chúng ta cứ thích kiện tụng, lôi nhau ra toà khiến nhiều vụ án kéo dài, mỏi mệt, bế tắc, theo bà?
- Đây một vấn đề rất thực tế và đáng suy ngẫm về văn hóa giải quyết tranh chấp. Dù hòa giải được xem là con đường văn minh và hiệu quả hơn, nhưng thực tế nhiều người vẫn chọn con đường kiện tụng, bởi những nguyên nhân như: cảm tính và tự ái (khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều người thường để cảm xúc chi phối, dẫn đến thái độ cứng rắn, không muốn nhượng bộ); khao khát được chứng minh mình đúng (mỗi người đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình và cho rằng mình luôn đúng. Kiện tụng trở thành cách để chứng minh điều đó); thiếu lòng tin vào hòa giải (nhiều người cho rằng hòa giải sẽ không mang lại kết quả như mong muốn hoặc sợ bị đối phương lừa gạt. Nhiều cá nhân và tổ chức chưa nắm rõ về quy định của pháp luật liên quan đến hòa giải, đặc biệt là tính pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành).
Cần khẳng định rằng hoà giải nếu thành công sẽ dẫn tới thoả thuận hoà giải thành, thoả thuận này có giá trị pháp lý ràng buộc như hợp đồng và có thể thi hành thông qua các phương thức thi hành hợp đồng dân sự thông thường. Ngoài ra, riêng với hoà giải thương mại thực hiện theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì các bên còn có thể đem kết quả hoà giải thành yêu cầu công nhận và cho thi hành tại toà án thông qua thủ tục việc dân sự.
Về phần mình, những người làm hoà giải viên thương mại cần kiểm soát quá trình hòa giải, khởi động quá trình giao tiếp và trao đổi thông tin giữa các bên. Kiểm soát cảm xúc của bản thân và có chiến thuật sử dụng thông tin hiệu quả (điều gì cần giữ, điều gì cần đưa ra, điều gì cần hạn chế) và giúp các bên tiến đến đạt được thỏa thuận. Hòa giải viên sẽ chỉ hỗ trợ quá trình đàm phán của các bên, giúp các bên hiểu rõ nhau hơn và xóa bỏ các hiểu lầm, các yếu tố bất lợi trong quá trình đàm phán nhằm tự mình tìm đến kết quả hòa giải thành công dưới sự dẫn dắt của hòa giải viên trong một quy trình hòa giải công bằng và minh bạch.
Giá trị của những phiên hòa giải thành sẽ đem lại lợi ích gì cho các thân chủ đôi bên mà không cần phán quyết của tòa án?
- Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Thủ tục hòa giải linh hoạt, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc kiện tụng. Các bên có quyền tự quyết, lựa chọn người hòa giải và địa điểm tiến hành, đồng thời bảo mật thông tin, giữ gìn mối quan hệ. Đặc biệt, hòa giải góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống tư pháp, tiết kiệm nguồn lực xã hội.
Cụ thể, đặc điểm của thủ tục hòa giải là: tính linh hoạt (hòa giải có thể được áp dụng cho nhiều loại tranh chấp khác nhau, từ tranh chấp kinh tế đến tranh chấp gia đình); tính tự nguyện (các bên tham gia hòa giải đều phải tự nguyện đồng ý, không có sự ép buộc); tính thân thiện (hòa giải tạo ra một không khí đối thoại cởi mở, giúp các bên hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau và tìm ra giải pháp chung); tính tiết kiệm (hòa giải thường có chi phí thấp hơn so với việc kiện tụng, giúp các bên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí).
Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải giúp các bên duy trì mối quan hệ trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Các yếu tố nêu trên giúp cho hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp mềm dẻo hơn nhiều so với tố tụng tại tòa án.
Điều gì khiến bà thôi thúc ý tưởng cho cuộc thi viết này và bà hy vọng gì từ sáng kiến cuộc thi cũng như tương lai của các hòa giải viên trong các vấn đề lớn như tranh chấp thương mại, hình sự hay các vụ án khó?
- Xin được trích lời của Thẩm phán Danny Weinstein (Ret.), người sáng lập Quỹ Weinstein International, gửi đến tất cả các bạn thí sinh - hòa giải viên tương lai như sau: “You are all pioneers in this art form that will become very important in the future” (Tất cả các bạn sẽ là những người tiên phong trong loại hình giải quyết tranh chấp này điều mà sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong tương lai).
Cá nhân tôi rất biết ơn Quỹ Weinstein International và các đơn vị tổ chức đồng hành, các đơn vị hỗ trợ truyền thông cũng như các bạn sinh viên từ các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam đã hưởng ứng tham gia đông đảo. Thông qua cuộc thi này, các bạn sinh viên luật có cơ hội không chỉ nghiên cứu về phạm vi pháp lý của vụ việc mà còn hiểu được các chi tiết cụ thể của quá trình hòa giải. Đó là thử thách, đồng thời cũng là cơ hội. Hòa giải đã là một phần của văn hóa Việt Nam và nếu các luật sư vận dụng tốt kỹ năng hòa giải để xử lý tranh chấp trong bối cảnh nền kinh tế và văn minh phát triển thì đây sẽ luôn là công cụ hữu hiệu.
Trước đây khi chưa biết nhiều đến khía cạnh hòa giải, với tư cách là luật sư thì tôi đã nghĩ rằng chúng ta phải tấn công, tấn công và cố gắng giành chiến thắng. Bây giờ, tôi và luật sư đồng nghiệp luôn cố gắng tìm ra điểm chung để đạt được lợi ích tốt nhất cho các bên và như vậy tất cả đều chiến thắng (win - win).
Cuộc thi thú vị này sẽ hỗ trợ cho các luật sư tương lai theo cách mà các chuyên gia giải quyết tranh chấp hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới sẽ cung cấp cho sinh viên luật cơ hội phát triển các kỹ năng thiết yếu trong lĩnh vực hòa giải. Để từ đó họ sẽ là “nhà vô địch về thực hành luật của ngày mai”, như lời của một thành viên Quỹ Weinstein International đến từ Singapore - ông Tat Lim.
Xin cảm ơn bà và chúc cho cuộc thi thành công!