Đội ngũ hòa giải viên là lực lượng quan trọng và quyết định đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên giàu chuyên môn, vững kỹ năng, được trau dồi kinh nghiệm, kiến thức sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở địa phương. Ý thức được tầm quan trọng đó, TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực để nâng cao chất lượng và số lượng hòa giải viên.
Nhiều năm qua, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” do Cần Thơ tổ chức đã tạo sân chơi, giúp hòa giải viên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải |
Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn TP Cần Thơ. Đề án hướng đến phát huy vai trò nòng cốt của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và đa dạng các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên. Các đơn vị cấp xã được chọn làm điểm chỉ đạo của thành phố thì tỷ lệ phải đạt từ 90% trở lên. Đặc biệt, đến năm 2030, mỗi quận, huyện có từ 10% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải cơ sở”.
Để đạt được kết quả trên, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong triển khai nhiệm vụ. Lãnh đạo TP Cần Thơ yêu cầu Sở Tư pháp phối hợp các quận, huyện chọn 1 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm. Tại đây, cần rà soát, đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên.
Đội ngũ hòa giải viên ngày càng có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ và kỹ năng vững chắc đảm bảo thực hiện tốt công tác hòa giải |
Từ đó có giải pháp kiện toàn, củng cố lực lượng để đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị cần nghiên cứu phương án, tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn pháp luật như: Luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân… tham gia hỗ trợ công tác hòa giải. Bên cạnh đó, cần phối hợp hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, cần hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật.
Theo đề án, bên cạnh chỉ đạo trọng điểm, các đơn vị cần khẩn trương thực hiện công tác kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp thành phố, cấp huyện; Xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn năng lực, đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án là phải tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp – Hộ tịch. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với sự phát triển bền vững của địa phương. TP Cần Thơ cũng yêu cầu các đơn vị cần tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Qua tuyên truyền, các tầng lớp nhân dân đã ý thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. |
Để nâng chất công tác hòa giải, thành phố còn yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vai trò, ý nghĩa, kết quả của công tác hòa giải ở cơ sở, gương hòa giải viên giỏi, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác… Đặc biệt, các đơn vị cần kịp thời tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở… để kịp thời có phương án, giải pháp tháo gỡ. Sau khi thực hiện, các đơn vị cần kiểm tra, khảo sát sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án. Đồng thời, tổ chức tôn vinh, biểu dương khen thưởng hòa giải viên, tổ chức cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện đề án.