Vừa qua, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện hoạt động hợp tác và ký kết Thoả thuận hợp tác trong nước. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở tại Hà Nội và Cơ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Trong 10 năm qua, từ năm 2014 đến năm 2024, Học viện Tư pháp đã ký 29 Thỏa thuận hợp tác với 05 tổ chức xã hội-nghề nghiệp; 15 tổ chức hành nghề luật sư; 04 đơn vị, tổ chức khác; 05 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và 01 Kết luận cuộc họp với 01 đơn vị.
Các Thoả thuận hợp tác tập trung vào các nội dung về tham gia giảng dạy; xây dựng chương trình đào tạo, tài liệu đào tạo; tham gia hội đồng thẩm định, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học; hỗ trợ học viên kiến tập, thực tập; phối hợp tổ chức hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và lĩnh vực hoạt động của mỗi bên; tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của mỗi bên khi triển khai hoạt động trong khuôn khổ thực hiện thoả thuận hợp tác.
Ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Học viện Tư pháp cùng các dối tác đã ký Thoả thuận hợp tác với Học viện |
Học viện Tư pháp luôn coi trọng, duy trì mối quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác đã ký Thoả thuận hợp tác với Học viện Tư pháp. Việc triển khai thoả thuận hợp tác giữa Học viện Tư pháp và các đối tác đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động hợp tác đã thực hiện góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Học viện Tư pháp, đồng thời tạo điều kiện cho các chuyên gia, giảng viên, chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp từ các cơ quan, đơn vị đối tác chia sẻ, thu nhận kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thông qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham dự toạ đàm, hội thảo.
Học viện Tư pháp luôn coi trọng, duy trì mối quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác đã ký Thoả thuận hợp tác với Học viện |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo của các đơn vị đối tác đánh giá cao hoạt động hợp tác với Học viện Tư pháp. Việc triển khai các Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Tư pháp với các đối tác trong nước đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Tư pháp đối với việc tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước; sự quan tâm, phối hợp hiệu quả của các đối tác tham gia ký kết thoả thuận hợp tác với Học viện Tư pháp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin, tài liệu, kết nối tham dự hoạt động hội thảo, toạ đàm trực tuyến; việc đảm bảo tốt điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện hoạt động hợp tác.
Đối với các Thoả thuận hợp tác đã ký và còn hiệu lực, trong thời gian tới, Học viện Tư pháp và các đối tác tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả; các bên quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện cho các cá nhân của cơ quan, đơn vị tham gia các hoạt động do đối tác tổ chức.
Trong năm 2024, Học viện Tư pháp tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác với 21 đối tác, gồm: Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Thừa phát lại thành phố Hà Nội, Nhà xuất bản Tư pháp, Văn phòng Luật sư Hằng Nga, Công ty Luật TNHH 1-5; Văn phòng Công chứng Nguyễn Thanh Đình, Công ty Đông Phương Luật, Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự, Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Văn phòng Luật sư Lê Minh Nhựt, Văn phòng Luật sư Nam Thái, Văn phòng Luật sư Trương Thị Hoà, Công ty Đấu giá hợp danh Lam Sơn Sài Gòn, Văn phòng Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, Văn phòng Thừa phát lại Bến Cát, Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền; Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, Văn phòng Thừa phát lại Đống Đa, Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm.
Trong năm 2024, Học viện Tư pháp tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác với 21 đối tác uy tín |
Để triển khai có hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký, Học viện Tư pháp và các đối tác cam kết sẽ trao đổi, phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động hợp tác cụ thể trong năm; cuối năm có đánh giá tình hình thực hiện và xây dựng kế hoạch thực hiện của năm tiếp theo; áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện hoạt động bao gồm việc tổ chức hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác có thể tham dự hoạt động; chia sẻ tài liệu, kết quả thực hiện hoạt động trên cơ sở đề nghị của đối tác; thường xuyên trao đổi nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung hoạt động cũng như tìm ra nguyên nhân và có giải pháp đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc thực hiện, tổng hợp, đánh giá thực hiện thoả thuận hợp tác.