*. 12 bệnh nhân còn lại đã được cấp cứu, điều trị tích cực.
*. Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế đã gửi cán bộ, y, bác sĩ chuyên khoa thận lên tăng cường
*. Nguyên nhân vụ việc đang được tiến hành làm rõ.
*. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: "Sự việc nghiêm trọng, chưa từng xảy ra đối với ngành y tế trong việc điều trị lọc máu trong nhiều năm vừa qua"
Sự việc gây chấn động dư luận tỉnh Hòa Bình
Vào khoảng 7h sáng ngày 29/5, tại Khoa điều trị lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiếp nhận, điều trị lọc máu chu kỳ cho 18 bệnh nhân. Cả 18 bệnh nhân nói trên đều mắc suy thận mãn, lọc máu chu kỳ nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau khi thực hiện quy trình lọc máu được khoảng 2 giờ đồng hồ, 18 bệnh nhân nói trên có dấu hiệu sốc phản vệ.
Sau khi phát hiện sự việc trên, các bác sỹ đã dừng điều trị và tập trung cấp cứu các nạn nhân. Tuy vậy, vào khoảng 9h30’ cùng ngày, đã có bệnh nhân tử vong. Tính đến thời điểm 17h chiều qua, thông tin mà phóng viên báo PLVN có được đã có 6 nạn nhân tử vong.
Trao đổi ngắn tại nơi xảy ra sự việc, TS. Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sự việc, về phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo từ phía Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) để tư vấn, hỗ trợ".
Ông Dương cho biết thêm: "Theo các bác sỹ từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc chuyển tuyến cho các bệnh nhân trong tình trạng sốc phản vệ nặng không đảm bảo an toàn, có thể gây suy tim, suy hô hấp. Do vậy, về phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã không thực hiện việc chuyển tuyến đối với các bệnh nhân. Ngoài số bệnh nhân tử vong thì hiện nay các bệnh nhân còn lại cũng đang được điều trị tích cực ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa TP.Hoà Bình theo phác đồ điều trị chung. Do vậy, số bệnh nhân này cũng đã dần ổn định".
Nguyên nhân đang được tích cực điều tra, làm rõ
Về nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc nêu trên, Bác sĩ Dương cung cấp: "Hiện cũng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến sự việc. Toàn bộ thuốc, hoá chất phục vụ công tác điều trị lọc máu cho các bệnh nhân đã được niêm phong để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.
Trao đổi với báo chí chiều 29/5/2017, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, phía bệnh viện Bạch Mai đã ngay lập tức cử 4 bác sĩ lên Hòa Bình để phối hợp xử lý vụ việc, trong đó, có 2 bác sĩ khoa Thận nhân tạo, một bác sĩ chuyên chống độc và một bác sĩ dị ứng.
Các bệnh nhân bị sốc phản vệ đang được điều trị tích cực tại khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình |
Đến 17h chiều ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cử đoàn công tác lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngay trong chiều tối nay để tìm hiểu thực tế về sự việc và triển khai các công tác hỗ trợ y tế, tiếp tục cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân. Đoàn công tác do PGS.TS Lương Ngọc Khuê 9Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) phụ trách.
Sự việc đau lòng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được đánh giá rất nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng sốc phản vệ gây chết nhiều người trong quá trình điều trị lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ khi Khoa điều trị lọc máu được thành lập cách đây 10 năm.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Danh sách 6 nạn nhân tử vong (tính đến 17h ngày 29/5/2017)
1. Ông Bùi Văn Huyền (SN 1971, trú tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình)
2. Ông Bùi Văn Chính (SN 1967, trú tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hòa Bình)
3. Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1963, trú tại phường Đồng Tiến, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)
4. Bà Lê Thị Chung (SN 1959, trú tại phường Tân Hoà, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)
5. Chị Đinh Thị Thu Hằng (SN 1981, trú tại xã Sủ Ngòi, TP.Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình)
6. Bà Quách Thị Phượng (SN 1948, trú tại huyện Lương Sơn, Tỉnh Hòa Bình)