Hố sâu giàu – nghèo ngày càng thăm thẳm

Nhiều người ở Trung Quốc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển ở nước này.
Nhiều người ở Trung Quốc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển ở nước này.
(PLO) -Những cải cách kinh tế và sự tăng trưởng nhanh chóng vào cuối thế kỷ 20 ở Trung Quốc được ca ngợi là phép màu giúp nước này chuyển mình thành một cường quốc. Dù sự phát triển này đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo nhưng ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nông thôn, sự suy thoái về môi trường cùng những sự bất bình đẳng khác đã khiến nhiều cộng đồng dân cư gần như bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển.  

Câu chuyện kinh hoàng

Người phụ nữ trẻ lầm lũi ở cùng các con trong một ngôi nhà tồi tàn ở cuối con đường đầy bụi đất. Cô hiếm khi nói chuyện với người lạ, hầu như cả ngày chỉ cắm mặt vào công việc đồng áng, trồng lúa, trồng đậu Hà Lan và khoai tây. 

Mọi chuyện cứ thế lặng lẽ trôi qua cho đến một ngày vào cuối tháng 8 năm ngoái, khi Yang Gailan - tên của người phụ nữ  - được tất cả người dân ở ngôi làng nhỏ Agu Shan thuộc tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc nhắc đến. 

Yang, 28 tuổi, đã được phát hiện đã tử vong cùng 4 đứa con, bao gồm 3 đứa con gái và một cậu con trai, tất cả đều chưa đến 7 tuổi ở ngay thềm nhà. Theo điều tra của cảnh sát, Yang đã tự tử sau khi đầu độc các con bằng thuốc sâu và dùng rìu đánh chúng cho đến chết. 

Theo các thông tin được chia sẻ, sau khi lập gia đình và liên tục sinh con, cuộc sống của gia đình Yang là chuỗi ngày nghèo khổ. Với hy vọng có được cuộc sống tốt hơn, chồng cô – anh Li Keying – đã tới thành phố tìm việc làm. Tuy nhiên, công việc của anh cũng không hề suôn sẻ. 

Ở quê nhà, Yang phải vừa làm nông, vừa chật vật xoay sở nuôi 4 đứa con với số tiền chỉ hơn 500 USD mà chồng gửi về. Trước đó, gia đình Yang được xếp vào diện hộ nghèo và được hưởng một số khoản trợ cấp.

Song, khó khăn của gia đình đã gia tăng khi vào năm 2014, chính quyền địa phương cắt bỏ các khoản phúc lợi xã hội của Yang vì gia đình cô không đáp ứng tiêu chí về hộ nghèo là có tổng thu nhập dưới 350 USD/năm dù theo nhiều người họ hàng của gia đình thì họ chưa bao giờ thấy một gia đình nào nghèo hơn gia đình này.

Nỗi thống khổ của Yang càng gia tăng khi vào đầu năm 2016, chồng cô qua đời, mà theo kết quả điều tra là do anh đã tự tử. Việc còn lại một mình trên đời với gánh nặng cơm áo được cho là nguyên nhân khiến người phụ nữ trẻ này làm việc dại dột. 

Câu chuyện kinh khủng nói trên đã được chia sẻ rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội của Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Trung Quốc đã chỉ trích Yang quá tàn nhẫn.

“Cô ấy quá độc ác. Cô ấy có trách nhiệm phải chăm sóc các con chứ không phải lấy đi mạng sống của chúng. Nếu không thể chăm được, lẽ ra cô ấy nên để những đứa trẻ lại” – một người tên Luo Xiaohua, nhận xét.

Bất bình đẳng nghiêm trọng

Nhưng, câu chuyện cũng dấy lên những lo ngại về hiện thực tồi tệ mà nhiều gia đình ở các vùng nông thôn tại Trung Quốc – nơi có nhiều người đã phải bỏ làng đi tìm việc ở các thành phố lớn – phải đối mặt và cả cuộc tranh luận về tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc cũng như về tính hiệu quả của các nỗ lực giảm nghèo của chính phủ nước này. 

Khi Trung Quốc bắt đầu đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vào giữa những năm 1980, nước này cũng phải đối mặt với một nhược điểm đi kèm, đó là khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng. 

Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế ở tốc độ quá nhanh, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu của trường Đại học kinh tế và tài chính Tây nam Trung Quốc, hệ số Gini về bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc hiện ở mức 0,61 trong khi theo Ngân hàng thế giới, hệ số này ở mức 0,40 là chỉ số cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập nghiêm trọng. 

Thống kê được công bố đầu năm 2016 cho thấy 1% người giàu nhất ở Trung Quốc đang nắm giữ đến 1/3 tổng tài sản ở nước này. Còn theo một nhà kinh tế ở Viện nghiên cứu kinh tế Bắc Kinh, 10% những người giàu nhất ở Trung Quốc kiếm được số tiền nhiều hơn 65 lần so với 10% những người nghèo nhất. 

Mức bất bình đẳng cao cũng làm gia tăng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình - là tình trạng một nước đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định do những lợi thế sẵn có và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn – của Trung Quốc. Thêm vào đó, việc chính phủ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng xã hội này có thể làm cho những người kém may mắn bị thiệt thòi.

Đến nay, dù kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại nhưng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ở nước này vẫn ở mức cao. Những người giàu vẫn tiếp tục giàu hơn còn những hộ gia đình có mức thu nhập thấp hơn chỉ có thể chật vật để có được cuộc sống tốt hơn trước.

Theo nhiều báo cáo, cuộc sống của những người dân ở những vùng nông thôn đang xuống cầm trầm trọng và theo một số thống kê ở nước này vẫn có đến hơn 82 triệu người đang sống với mức thu nhập dưới 1 USD/ngày. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc thời gian qua cũng tăng rất chậm, khi mức tăng thu nhập của những lao động có tay nghề cao ngày càng thấp. 

Ngược lại, Trung Quốc hiện có nhiều tỉ phú hơn Mỹ. Theo thống kê năm 2016, Trung Quốc có 596 tỉ phú USD trong khi Mỹ có 535 người. Tổng tài sản của những người giàu nhất tại Trung Quốc cũng gia tăng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2014. Số triệu phú USD ở Trung Quốc cũng tăng lên thành 3,14 triệu người. 

Nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy 25% số gia đình ở Trung Quốc hiện chỉ nắm giữ 1% tổng tài sản của nước này. “Rõ ràng khoảng cách thu nhập đang ngày càng lớn hơn. Nói một cách đơn giản thì người nghèo ngày càng nghèo hơn còn người giàu thì lại giàu thêm” – ông Zhou Xiaozheng, một giáo sư về xã hội học ở Bắc Kinh, nói.

Vòng xoáy luẩn quẩn

Trung Quốc đã xóa bỏ được tình trạng đói nghèo cùng cực và tỉ lệ nghèo cũng đã liên tục giảm xuống qua các năm. Điều này cho thấy rõ thành tựu của công cuộc phát triển của Trung Quốc. Nhưng, sự gia tăng mức sống và thu nhập chung đó cũng đồng nghĩa với việc những tiêu chuẩn về đói nghèo tăng lên. 

Hay nói một cách khác, một người muốn được công nhận là nghèo sẽ phải chứng minh được rằng họ có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với những người thuộc tầng lớp trung lưu. Và những người nghèo trở nên khó khăn hơn trong việc nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, như trường hợp của Yang. 

Không chỉ vậy, tình trạng tham nhũng ở nhiều nơi được cho là một thách thức lớn khiến cho tình hình càng trở nên bức xúc. Ông Hu Xingdou – một giáo sư ở Viện công nghệ Bắc Kinh – nói rằng những cán bộ ở các làng, xã thường có xu hướng gạt những gia đình nghèo ra khỏi diện được hưởng trợ cấp xã hội. “Đôi khi những người đáng được hưởng những chính sách đó lại không được hưởng vì chính sách thiếu minh bạch và công bằng” – Giáo sư Hu nói. 

Thêm vào đó, những người nghèo ở các vùng nông thôn tại Trung Quốc còn rất ít có cơ hội để tiếp cận giáo dục, kinh tế, sức khỏe và các cơ hội khác. Trong khi đó, dù không được hưởng nhiều thành quả của sự phát triển kinh tế nhưng những người dân ở các vùng nông thôn của Trung Quốc lại được nhận định là nhóm đối tượng có nguy cơ bị mắc các bệnh do ô nhiễm nhất đồng thời cũng ít có khả năng chi trả chi phí điều trị nhất. 

Theo một khảo sát của Bộ Y tế Trung Quốc, 30% các hộ gia đình nghèo ở Trung Quốc nói rằng chi phí khám chữa bệnh quá cao là nguyên nhân khiến cho họ luôn lâm vào cảnh nghèo nàn. Chính những yếu tố này khiến cho sự bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc càng kéo dài hơn và tạo thành vòng luẩn quẩn đòi hỏi nhà chức trách phải có những biện pháp để tháo gỡ./.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.