Cả đời Bác không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi
Giáo sư (GS) Hoàng Chí Bảo cho biết, việc nghiên cứu và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo cho ông một động lực tinh thần to lớn để làm sao thực hiện cho được những chỉ dạy của Bác về việc suốt đời cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; để toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân nhân, vì sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, mà Bác là một tấm gương sáng. Càng nghiên cứu về Bác, chúng ta càng nhận ra một điều: cả đời Bác không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi, chỉ một lòng, một dạ vì dân, vì nước.
Người đã dấn thân đi tìm đường cứu nước từ khi còn rất trẻ (21 tuổi). Cuộc đời của Bác là một sự dấn thân vì lý tưởng và mục tiêu cách mạng. Từ dấn thân đến tranh đấu không ngừng, không nghỉ với một nghị lực và ý chí phi thường để chúng ta học tập với một đạo đức cao thượng, trong sáng. “Đến phút cuối của cuộc đời, Bác cũng chỉ luôn luôn thầm nhắc: miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Những giây phút cuối cùng trên giường bệnh của Bác cũng chỉ nặng lòng yêu nước, thương dân, Bác hỏi tin chiến trường miền Nam hôm nay thắng ở đâu? Bác lo đê Hà Nội vỡ có nhiều không, có kịp sơ tán dân đi không?... Sắp đến ngày khai giảng rồi, các chú đã chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu? Trong trái tim mênh mông của Bác có tất cả mọi người, không sót một ai, từ các thế hệ cao niên đến các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ bộ đội, chiến sĩ đến thanh niên xung phong, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số… Đọc Di chúc của Bác, mới thấm thía tình thương mênh mông của Bác dành cho tất cả chúng ta” - GS Hoàng Chí Bảo nói.
Theo GS Bảo, khi kể chuyện về Bác Hồ, ông không chỉ truyền bá những tri thức, hiểu biết của mình về Bác, mà phải làm sao tự bản thân trong trái tim mình cũng phải có xúc cảm thì mới có thể truyền xúc cảm đó đến người khác. Bởi từ trái tim đến trái tim, đó là con đường ngắn nhất, tốt nhất để chúng ta thương yêu và tin cậy lẫn nhau, để chúng ta cổ vũ thúc giục nhau học tập và làm theo gương của Bác. Từ người dân bình thường đến văn nghệ sĩ, trí thức, học giả… ai ai cũng muốn từ tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh mà thấy được tầm vóc vĩ đại của lãnh tụ, thấy rõ sự cống hiến lịch sử vô giá của Bác với dân tộc, với Đảng và cả thế giới.
Sự giản dị, lịch thiệp của Bác chứa đựng trong đó cả văn hóa ứng xử tinh tế và bao dung. Bác là biểu tượng của văn hóa ứng xử tinh tế và bao dung. Bác như người truyền cảm hứng vĩ đại vào Đảng, vào nhân dân, các thế hệ người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.
GS Hoàng Chí Bảo. |
“Tôi vẫn cho rằng Hồ Chí Minh là người truyền cảm hứng vĩ đại, truyền ngọn lửa và niềm tin yêu đến tất cả mọi người. Điều đó làm cho giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ngày càng trở nên sâu lắng, bền bỉ trong lòng dân” - GS Hoàng Chí Bảo trải lòng.
Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một nhà nhân văn chủ nghĩa
Càng ngày chúng ta càng trở về gần gũi với Hồ Chí Minh hơn, thể hiện chân thực, sinh động hơn những hiểu biết của chúng ta về Bác. Người dạy chúng ta nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, đã nói thì phải làm. Trung thực, chân thành, khiêm tốn, giản dị… là điều Bác thường xuyên nhắc nhở chúng ta. Bác còn thể hiện niềm tin sâu sắc vào phẩm chất tốt đẹp của con người. Vì thế, nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một nhà nhân văn chủ nghĩa. Bác có cả chủ nghĩa nhân văn mang tên “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh” mà chúng ta phải dày công nghiên cứu mới thấu hiểu được. Bác tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân; Bác luôn luôn dìu dắt, nâng đỡ để mỗi người mỗi ngày trở nên tốt hơn, theo hệ giá trị văn hóa Chân -Thiện - Mỹ.
Bác còn căn dặn chúng ta, chỉ sợ mình không có lòng bao dung, nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình. Như vậy thì còn có ai có sức cảm hóa, thuyết phục, thu phục nhân tâm một cách mãnh liệt như Hồ Chí Minh. Đến mức kẻ thù chống đối Người về mặt tư tưởng, hành động cũng không dám xúc phạm. Rồi khi Bác mất, cả thế giới về với Việt Nam. Có thể nói, Bác là hội tụ cả thế giới và Việt Nam được thế giới biết đến cũng là qua hoạt động của Bác, qua ý chí nghị lực phi thường của Bác. Điều đó càng cho chúng ta xúc động và tự hào về Bác.
GS Hoàng Chí Bảo cũng chia sẻ: “Thông qua các buổi nói chuyện về Bác Hồ mà chúng tôi thực hiện trong nhiều năm nay, chúng tôi luôn ý thức một điều là phải làm sao để việc học tập và làm theo Bác trở thành một nhu cầu văn hóa thường xuyên, bền bỉ, tự giác từ mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đoàn thể. Đảng đã nhấn mạnh, làm sao cho tài sản tinh thần vô giá mà Bác để lại cho chúng ta phát huy được sức mạnh, hiệu quả để chúng ta xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc vững chắc. Muốn thế thì trung tâm của vấn đề hiện nay là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với nhau để thực hiện cho được lời Bác dạy: Đảng là đạo đức, là văn minh. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích phấn đấu cho toàn dân, Đảng tồn tại cũng vì nhân dân…”.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, Đại hội XIII của Đảng đã có phát hiện mới rất quan trọng về thực hiện mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội. Đảng ta coi đây là một trong 10 mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật của đổi mới, quy luật phát triển của Việt Nam. Điều này hết sức có ý nghĩa, chúng ta càng ghi nhớ công lao sáng lập của Bác - từ dấu ấn của Bác trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.
Bản Hiến pháp này đánh dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho Nhà nước Pháp quyền Việt Nam, nhất là tư tưởng của Bác: mọi công việc trọng đại của quốc gia phải đưa ra cho toàn dân phúc quyết, tức là tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của dân.