[links()] HLV Lê Minh Khương và LS Trần Thu Nam (VPLS Tín Việt và Cộng sự) hôm qua có cuộc trao đổi với đại diện Tổng Cục hàng không VN và Ban Thanh tra Tổ Cục HKVN.
Trong buổi trao đổi này, ông Khương đã trình bày lại nội dung vụ việc và nguyện vọng của mình như từng phát biểu trên báo chí mấy ngày qua.
Ngoài việc đề cập đến biên bản ghi sai việc ông được nhận lại cuống vé (thực hất ông Khương không nhận được), ông Khương đã đề cập đến hai nội dung quan trọng, không được tiếp viên ghi vào biên bản là: Khi tiếp viên hàng không thông báo chuyến bay sẽ khởi hành đi TP HCM ngay thì ông Khương đã đồng ý ở lại máy bay mà không xuống Đà Nẵng. Điều này thể hiện việc ông muốn bay tiếp vào TP HCM chứ không có ý định cản trở, trì hoãn chuyến bay.
Nội dung thứ hai bị ghi thiếu là việc, ông không được đáp ứng đề nghị phải lập biên bản sự việc do tiếp viên làm mất cuống vé của ông (trước đó, tiếp viên đã cầm cuống vé để làm thủ tục cho ông xuống sân bay Đà Nẵng). Một nhân viên an ninh (tên Tuấn) còn lên máy bay và chỉ thẳng vào mặt ông mà quát rằng “ai cũng như ông thì chuyến bay nào cũng chậm à”.
Như vậy, biên bản sự việc trên đây có quá nhiều nội dung quan trong bị ghi “thừa” và “thiếu”, đó là chưa kể việc hành khách trên chuyến bay (bà Eileen Tan) có “quan hệ” về quyền lợi với VietNam Airlines (VNA), tuy không biết tiếng Việt nhưng vẫn ký tên với tư cách người làm chứng trong một văn bản tiếng Việt.
Về vụ việc này, LS Trần Thu Nam trao đổi thêm với phóng viên:
- Qua trình bày của ông Khương, tôi thấy tất cả sự việc bắt nguồn từ lỗi của VNA, từ việc chậm chuyến bay đến việc làm mất cuống vé của hành khách nhưng không chịu xin lỗi và lập biên bản sự việc. Sau đó là lối ứng xử, trấn áp quá đà của nhân viên an ninh hàng không đối với bố con anh Khương.
- Thưa ông, để thu thập chứng cứ một cách khách quan, giúp bảo vệ cho ông Khương, ông có định tiếp xúc và trao đổi với bà Eileen Tan, một hành khách đã có phát biểu có lợi cho VNA?
- Tôi thấy không cần thiết phải làm điều này vì những bức ảnh do bà Eileen Tan cung cấp cho thấy, ông Khương không có biểu hiện gì của việc “gây rối” hay “vung tay, vung chân” gì cả. Bà Eileen Tan cũng không rành tiếng Việt để có biết ông Khương đã nói chuyện hoặc quát tháo (nếu có) với tiếp viên về nội dung gì. Nếu coi Bà Eileen Tan là nhân chứng thì cũng chỉ giúp làm rõ tình tiết sự việc ở khoang Y thôi. Nhưng sự việc lại chủ yếu diễn ra ở khoang C (khoang phổ thông). Và đã có rất nhiều nhân chứng sắn sàng làm chứng về diễn biến sự việc tại đây.
- Ông Khương từng phát biểu rằng, chỉ cần một lời xin lỗi từ VNA. Quan điểm của ông Khương ra sao và các ông có thống nhất việc khởi kiện ra toà nếu yêu cầu này không được VNA đáp ứng?
- Hiện nay ông Khương vẫn giữa quan điểm như vậy, chúng tôi cũng đã tính đến việc khởi kiện VNA để yêu cầu hãng hàng không này phải xin lỗi và bồi thường danh dự, nhân phẩm và ảnh hưởng sức khảo sau vụ “trấn áp” như tội phạm trên chuyến bay vừa qua. Số tiền đòi bồi thường sẽ mang tính chất tượng trưng, có thể chỉ là 1.000 đồng thôi.
- Ông nhận xét thế nào về việc trước đây, đã có nhiều hành khác bị VNA đối xử tương tự ông Khương, từng tuyên bố kiện VNA nhưng sau đó đều “im ắng”?
- Tôi thấy việc theo đuổi vụ kiện như vậy là rất khó khăn, tốn kém thời gian lẫn chi phí tiền bạc. Vì vậy, nhiều người rất có thể sẽ “tặc lưỡi” cho qua vì nếu có thắng kiện thì cũng “chờ được vạ, má đã sưng”.
Tôi cũng được biết rằng, có nhiều lời khuyên ông Khương nên từ bỏ vụ việc này vì sẽ tốn kém mà kết quả chẳng đi tới đâu. Nhưng tôi cũng xin được nói rằng, vụ việc này là tôi thực hiện tư vấn và tranh tụng (nếu vụ việc ra toà) miễn phí cho ông Khương. Hy vọng vụ việc này sẽ là dịp để VNA nhìn lại cung cách phục vụ của mình cũng như sẽ là tiền lệ cho những “thượng đế” của VNA nhưng lại không được đối xử như “thượng đế”, giống trường hợp của ông Khương.
- Ông bình luận như thế nào trước thông tin HLV Lê Minh Khương sẽ bị đưa vào “danh sách cấm bay”?
- Đưa vào dánh sách cấm bay (hay từ chối vận chuyển) cũng phải theo quy định chứ không thể “không ưa nhau là cấm được”. Vả lại, nếu có vào “danh sách cấm bay” của VNA thì tôi cũng có thể hoàn toàn lựa chọn một hãng máy bay khác hoặc một phương tiện giao thông khác.
Tôi cũng thấy việc tuyên bố rằng “có thể đưa ông Nam vào danh sách cấm bay” của VNA là quá vội vàng và “lạm quyền” cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không, có ý “phủ đầu”, gây sức ép, xúc phạm và hạ uy tín anh Khương, một người có hàng trăm chuyển bay quốc tế và nội địa mỗi năm. Tôi và anh Khương đang có ý định đề nghị VNA phải “rút” lại tuyên bố trên.
- Xin cảm ơn ông.
Hữu Tuấn (thực hiện)