"Cú bắt tay" của ba “ông lớn” điện – than – dầu diễn ra vừa qua gửi gắm những kỳ vọng khác nhau của mỗi bên, riêng đối với ngành than, cải thiện giá bán và đòi được nợ rõ ràng là hai gạch đầu dòng quan trọng.
Khó khăn chung của ngành Than hiện nay là càng khai thác, giá thành càng cao |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 26/2 cùng ký bản thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Theo đó, ba tập đoàn sẽ triển khai hợp tác trên 6 lĩnh vực, bao gồm: quy hoạch phát triển ngành; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện; đầu tư khai thác và vận chuyển than trong nước và ở nước ngoài; vận hành các nhà máy điện; sử dụng các dịch vụ và lĩnh vực truyền thông.
Đây là lần đầu tiên ba tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của đất nước đặt bút ký vào bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhau.
Cú bắt tay đáng nhớ này gửi gắm những kỳ vọng khác nhau của mỗi bên, riêng đối với ngành than, cải thiện giá bán và đòi được nợ rõ ràng là hai gạch đầu dòng quan trọng.
Trước khi đi đến thõa thuận hợp tác tay ba này, tính đến cuối năm 2012, EVN vẫn nợ TKV khoảng 500 tỷ đồng từ các hợp đồng mua than để phát điện.
Ngoài ra, giữa hai tập đoàn này cũng đang tồn tại một số điểm chưa thống nhất liên quan đến giá bán than. Trong khi đó, khó khăn chung của ngành than hiện nay là càng khai thác, giá thành càng cao do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn.
Than lộ thiên dần cạn kiệt và đã khai thác xuống mức sâu. Lộ thiên nhưng có mỏ cũng đã xuống đến mức âm 150. Than hầm lò hiện nay cũng đã xuống đến mức âm 300 và tiến tới còn sâu hơn nữa. Các yếu tố về thông gió, thoát nước, an toàn… ngày càng phải chi phí lớn hơn. Do vậy, sớm muộn TKV cũng cần tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác để nâng cao năng suất lao động. Chi phí sản xuất lớn khiến giá thành khai thác ngày càng tăng cao làm giảm sức cạnh tranh.
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Văn Kiệm - Thành viên Hội đồng thành viên TKV thừa nhận, giá thành sản xuất than, khoáng sản của tập đoàn hiện nay đã mức "báo động". Ở nhiều công ty, ngay cả các đơn vị khai thác lộ thiên, giá thành sản xuất một tấn than lên tới xấp xỉ 1,3 triệu đồng, gần tiệm cận với giá bán thị trường.
Trong khi đó, giá than bán cho ngành điện - hộ tiêu thụ lớn nhất trong nước - thì vẫn tiếp tục chịu âm, dù mức âm không đến nỗi tệ như các con số của khai thác hầm lò nói trên vì đã nhiều lần được Chính phủ cho điều chỉnh. Từ trung tuần tháng 9/2012, giá than bán cho điện từ mức dưới 50% giá thành đã đạt bằng 70% giá thành than năm 2011. Tuy vậy thì dẫu sao ngành than cũng vẫn đang chịu thiệt, như nhiều năm qua đã phải chịu.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng mức đầu tư cho ngành than lên tới 320 ngàn tỉ đồng. Nếu được thực hiện một cách thực chất, mối quan hệ đối tác chiến lược vừa ký kết sẽ không chỉ thu xếp được những mối “bất hòa” riêng, mà còn chia sẻ những cơ hội kinh doanh rất lớn cho cả ba bên.
Mai Hoa