Chiều tối ngày 29/10, tại văn phòng UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi đón tiếp và làm việc với Đoàn lãnh đạo các quốc gia của khối EU tại Việt Nam, bao gồm các Tổng lãnh sự và Đại sứ quán.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của các thành viên trong Đoàn để có được buổi gặp mặt hôm nay, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang là mối lo ngại lớn nhất của các quốc gia khu vực Châu Âu. “Thông qua buổi gặp gỡ này chứng minh được mối quan hệ của các nước thành viên EU và TP.HCM đã và đang không ngừng phát triển. Đồng thời, cũng cho thấy sự tin tưởng vào môi trường đầu tư của TP.HCM đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp của khối EU”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, Hiệp định EVFTA vừa được thông qua đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trong khối ASEAN tham gia Hiệp định này. Điều đó, đồng nghĩa với việc Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ tận dụng mọi lợi thế của EVFTA để phát triển trở thành một thành phố thông minh, năng động và phát triển.
Vì vậy, “Hiệp định thương mại EVFTA chính là cơ hội để gia tăng giá trị về kim ngạch thương mại hai chiều, tạo cơ hội cho doanh nghiệp cả hai phía tìm kiếm thị trường. Đồng thời, chúng tôi cam kết sẽ tạo cơ hội nhất có thể để doanh nghiệp của EU đầu tư và hoạt động hiệu quả tại TP.HCM”, Chủ tịch Phong nhấn mạnh.
Thông qua buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn thành Phong cũng nêu bật tình hình kinh tế của TP. HCM cũng như các lĩnh vực mà TP đang ưu tiên kêu gọi đầu tư, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển TP.HCM trong thời gian tới, trong đó có đề án xây dựng TP mới Thủ Đức.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, TP.HCM cũng đã phối hợp với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhằm phổ biến cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK, hiểu, nắm rõ những cơ hội và thách thức của EVFTA. Cuối tháng 7 vừa qua, TP.HCM phối hợp với EuroCham tổ chức đối thoại, trao đổi cơ hội hợp tác khi EVFTA có hiệu lực. trong đó bao gồm cả việc trao đổi, tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Về phần Đoàn Lãnh sự, ông Giorgio Alibeti – Đại sứ Trưởng đoàn Liên minh châu Âu - cho biết, TP.HCM có rất nhiều điểm chung với các quốc gia thành viên của khối EU, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng của các DN EU là rất lớn, trong đó có giáo dục, môi trường, hạ tầng giao thông, logictis, công nghệ thông tin…. “Và đặc biệt, với mục tiêu phát triển TP mới Thủ Đức, chúng tôi kỳ vọng sẽ có rất nhiều vấn đề để TP.HCM và EU có thể hợp tác”, ông G. Alibeti.
Ông Giorgio Alibeti cũng bày tỏ mối quan tâm đến chính sách đầu tư của TP.HCM và việc minh bạch pháp lý. Ông cho biết, thời gian cấp phép cũng đang là rào cản khiến cho các dự án của doanh nghiệp khối EU gặp trở ngại.
“Tôi cho rằng, đây là năm thứ 2 Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Cơ hội đã có thì chúng ta không có lý do gì mà không xắn tay áo lên và làm. Thành công của doanh nghiệp TP.HCM, cũng như của khối thịnh vượng chung châu Âu trong thời gian tới, chính là thành công của Hiệp định EVFTA”, ông Giorgio Alibeti nhấn mạnh.
Ghi nhận những ý kiến từ trưởng đoàn EU, Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết, sẽ cùng đồng hành cũng với doanh nghiệp khối EU để đưa sản phẩm 2 chiều vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và cả cả quốc gia.
“Chúng tôi sẽ xây dựng một chuỗi cung ứng liên khu vực và xem các sản phẩm của các địa phương lân cận là nguồn lực cạnh tranh của TP, để TP.HCM trở thành là cầu nối và đầu mối cho thị trường EU và ngược lại. Đồng thời, hợp tác, hỗ trợ và phát triển thế mạnh của cả hai bên cũng chính là những tiềm năng để chúng ta xây dựng mối quan hệ giữa EU- TP.HCM ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kết luận.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 30 năm qua, EU có 2.746 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn hơn 3,7 tỉ USD (không bao gồm nước Anh). Riêng trong nửa đầu năm 2020, EU có 54 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về thương mại, EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP.HCM, là đối tác xuất khẩu thứ 3, và là đối tác nhập khẩu thứ 2 của thành phố. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang EU đạt hơn 5 tỉ USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 3,6 tỉ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỉ USD.
TPHCM chủ yếu xuất vào EU các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản các loại và nhập khẩu từ EU máy móc thiết bị sản xuất hiện đại.