Sạt lở nghiêm trọng
Từ đợt hạn mặn năm 2016, các tỉnh ĐBSCL liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở bờ sông. Đặc biệt, sụt lún đất trong mùa hạn diễn ra gay gắt nhất ở vùng ngọt hoá. Tính đến năm 2018, khu vực ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149km. Mới nhất, những ngày qua, tỉnh Cà Mau đã xảy ra 912 điểm sạt lở, sụt lún các tuyến lộ giao thông với tổng chiều dài gần 22km.
Đê biển Tây từng là lá chắn bảo vệ vùng ngọt hoá bán đảo Cà Mau với diện tích hơn 89 ngàn ha. Trong mùa mưa bão, triều cường năm 2019, Cà Mau đã phải đánh chìm sà lan, dùng mọi biện pháp kè chống để ngăn vỡ đoạn đê dài 15km từ vàm Đá Bạc đến kinh Mới. Ngày 18/2/2020, đê biển Tây đã bị sụt lún nhiều chỗ, có đoạn dài 100m. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Đê Tây không còn đồng nghĩa với việc vùng ngọt hoá có nguy cơ xóa sổ”.
Do hầu hết hệ thống sông rạch vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã cạn đáy dẫn đến sụt lở ven bờ nghiêm trọng. Đặc biệt là điểm sạt lở lớn tại tỉnh lộ 873 (thuộc ấp 1 xã Bình Xuân, thị xã Gò Công) ngày 25/2/2020 làm sạt lở toàn bộ đoạn đường dài gần 30 mét xuống sông Vàm Vé, cắt đứt đường giao thông.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, gần đây, tỉnh Tiền Giang có chủ trương bơm vét nước từ sông Vàm Vé để cứu nguy cho cánh đồng lúa khu vực này dẫn đến sông cạn đáy. Khi cao trình nước giảm đột ngột gây ra sạt lở ven bờ.
Trước đó, năm 2019, Tiền Giang có hàng trăm điểm sạt lở. Những địa bàn sạt lở nặng nhất và phức tạp là cặp sông Ba Rài, sông Hòa Khánh, sông Phú An, các cù lao trên sông Tiền.
Trong năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 177 điểm sạt lở, với chiều dài trên 5,5km. Hiện tuyến đường giao thông kết hợp đê bao cồn Giông ven sông Tiền (xã Tân Hội, TP Vĩnh Long) đang có dấu hiệu sụt lún nghiêm trọng. Nhiều đoạn bị nghiêng và có nguy cơ gây vỡ đê, đe dọa ao cá, vườn cây ăn trái của các hộ dân trong khu vực…
Cạn kiệt nguồn nước ngầm
Khai thác nước ngầm quá mức được các nhà khoa học trong nước và quốc tế “điểm mặt” là nguyên nhân chính gây sụt lún cho vùng ĐBSCL thời gian qua. Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, đối với các vùng có mức độ lún khác nhau, vùng lún cao nhất (trên 10cm) có mật độ khai thác nước ngầm lớn nhất (111 m3/ngày/km2).
Thống kê toàn vùng ĐBSCL có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày…
Theo Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, tính đến năm 2015, mực nước ngầm của ĐBSCL đã bị tụt giảm khoảng 15m. Nếu như trước đây, giếng khoan cần độ sâu khoảng 100m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi. Nghiêm trọng hơn, một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm ở ĐBSCL đã bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được. Đây là hệ lụy của việc khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức và tình trạng sử dụng hóa chất bừa bãi, xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
Mỗi năm mực nước ngầm của ĐBSCL tụt giảm 40cm, kéo theo lún sụt mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển dâng cao, mặn nhập sâu. Theo PGS, TS Đoàn Văn Cánh (Hội Địa chất thủy văn Việt Nam), một trong những chỉ tiêu đánh giá sự ổn định của nguồn nước là thời hạn phục hồi nguồn nước. Đối với dòng chảy trên mặt, thời gian đó khoảng 16 ngày đêm, còn đối với dòng ngầm phải mất đến 1.500 năm. Một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì khả năng phục hồi vô cùng khó…
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trong trường hợp khai thác nước để ứng phó với tình trạng khẩn cấp thì không phải có giấy phép. Tuy nhiên, để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu chống hạn, đồng thời tránh nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm thì giếng khoan phải được bố trí ở vị trí hợp lý, có thiết kế đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, khai thác với lưu lượng hợp lý để không làm hạ thấp mực nước quá mức gây ô nhiễm, xâm nhập mặn, sụt lún đất khi khai thác.
Về lâu dài, cần có giải pháp để ứng phó, trong đó có việc đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm để xây dựng các công trình khai thác lâu dài, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước…