Hé lộ về “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Triều Tiên

Ông Kim Yong Chol
Ông Kim Yong Chol
(PLO) - Tướng Triều Tiên Kim Yong Chol, nhân vật được cho là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong tuần qua trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi đến Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Phục vụ ba thế hệ gia tộc họ Kim 

Cùng mang họ Kim như ông Kim Jong Un nhưng ông Kim Yong Chol không có họ hàng với nhà lãnh đạo trẻ. Năm nay 73 tuổi, ông Kim Yong Chol được xem là một trong những nhân vật lão làng nhất trong chính phủ Triều Tiên, từng phục vụ ba thế hệ gia tộc họ Kim, từ nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il Sung tới ông Kim Jong Il và nay là ông Kim Jong Un. 

Khi còn trẻ, ông Kim Yong Chol là một cảnh sát, làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Đến năm 1968, ông trở thành sỹ quan liên lạc giữa Triều Tiên và Liên Hợp quốc. Năm 1976, ông Kim Yong Chol được thăng chức chỉ huy lực lượng cảnh vệ tối cao Triều Tiên, trực tiếp bảo vệ cố lãnh đạo Kim Jong Il. 

Vào những năm 1990, ông này trở thành Phó Giám đốc thứ nhất bộ phận trinh sát trực thuộc Bộ Quốc phòng Triều Tiên. Trong những năm 1990 đến những năm 2000, ông là thành viên nhóm đàm phán của Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán có tính chất bước ngoặt với Hàn Quốc.

Ở thời điểm này, ông Kim Yong Chol đã là một nhân vật nổi bật quân đội Triều Tiên, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên cũng như các sự kiện đối ngoại của nước này. 

Từ năm 2009 đến năm 2016, ông Kim Yong Chol trở thành một tướng bốn sao của Triều Tiên, đứng đầu Cục trinh sát tổng hợp (RGB) - cơ quan tình báo của Bình Nhưỡng. Trong nhiệm kỳ tại RGB, ông được cho là đã có công lớn trong việc mở rộng mạng lưới, các đơn vị phòng thủ cũng như năng lực chiến đấu điện tử của cơ quan tình báo Triều Tiên. 

Trong các năm 2009 và 2010, ông Kim Yong Chol là một trong vài sỹ quan thường xuyên tháp tùng ông Kim Jong Un, khi đó đã được xác định là người thừa kế của Triều Tiên, trong các chuyến thị sát và giao ban tại các đơn vị quân đội của nước này.

Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, Kim Yong Chol dần trở thành một trong cố vấn đáng tin cậy của nhà lãnh đạo trẻ. Các nguồn tin tình báo cho biết, Kim Yong Chol đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực từ ông Kim Jong Il sang cho ông Kim Jong Un.

Từ tháng 1/2016, ông Kim Yong Chol thôi nhiệm vụ ở cơ quan tình báo Triều Tiên, trở thành người đứng đầu Ban Mặt trận Thống nhất – một cơ quan ngang bộ, kết hợp giữa các nhiệm vụ của một cơ quan tình báo và cơ quan ngoại giao của Triều Tiên với trách nhiệm chính là xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. 

Ngoài ra, ông này còn là nghị sỹ Quốc hội, Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, thành viên của Quân ủy Trung ương, có chân trong nhiều cơ quan quyền lực khác của Triều Tiên.

Nhiều người tin rằng ông này hiện là nhân vật quyền lực số hai tại Bình Nhưỡng, chỉ sau ông Kim Jong Un và cùng với em gái của ông Kim Jong Un là bà Kim Yo Jong. “Ông ấy là một người cực kỳ thành thạo trong các vấn đề phi hạt nhân hóa và có vẻ như đã đảm bảo được một vị trí vững chắc trong bộ sậu lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un”, một nhà nghiên cứu nhận định.

Nhân vật cứng rắn

Trước đây, Kim Yong Chol có tên trong các danh sách đen trừng phạt của Hàn Quốc và Mỹ. Theo giới chức Hàn Quốc, trong thời gian Kim Yong Chol đứng đầu, chính tình báo Triều Tiên đã gây ra vụ phóng ngư lôi vào một tàu hải quân của Hàn Quốc ở Cheonan hồi năm 2016, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Chính vì vậy nên thông tin ông này sẽ tham dự phái đoàn của Triều Tiên dự Thế vận hội Mùa Đông được tổ chức ở Hàn Quốc hồi tháng 2/2018 vừa qua đã khiến nhiều người thuộc phe bảo thủ tại Hàn Quốc tức giận, yêu cầu Chính phủ không cho ông ta tới Hàn Quốc.

Nhiều người thậm chí còn đòi “giết chết” khi khi ông ta đặt chân lên đất Hàn Quốc. Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc sau cùng vẫn đã hoan nghênh chuyến thăm vì hy vọng vào một kỳ Thế vận hội hòa bình cũng như cải thiện quan hệ liên Triều. Mỹ cũng cáo buộc ông này là người đã chỉ đạo cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng Sony hồi năm 2014. 

Ông Kim Yong Chol và nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ông Kim Yong Chol và nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Theo Robert Carlin – cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), hiện là chuyên gia tại Trung tâm an hợp tác và an ninh quốc tế trường Đại học Stanford, một số người từng gặp Kim Yong Chol khi mới bắt đầu sự nghiệp miêu tả rằng ông này là một người thông minh, có tính cảnh giác cao độ và rất tích cực tiếp thu những ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, những người tiếp xúc với ông Kim ở giai đoạn sau này miêu tả ông ta là một người khá kiêu ngạo và cứng rắn. “Có lẽ ông ta nhìn vào người đối diện để có cách tiếp xúc mà ông ta cho là phù hợp”, ông Carlin nhận xét. 

Các quan chức Hàn Quốc từng tiếp xúc với Kim Yong Chol cũng thừa nhận ông này là một nhà đàm phán vô cùng cứng rắn, một biểu tượng diều hâu chứ không phải là một người ôn hòa. Là người có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách của Triều Tiên, Kim Yong Chol từng công khai lên tiếng ủng hộ việc hạn chế đi lại giữa hai miền Triều Tiên. 

Moon Sang-gyun, một cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc, kể lại, tại cuộc đối thoại quân sự giữa hai nước diễn ra năm 2014, Kim Yong Chol từng giận dữ đứng dậy và bước luôn ra khỏi phòng khi Hàn Quốc khăng khăng yêu cầu Triều Tiên xin lỗi vì vụ tấn công vào năm 2010.

Cũng chính vì sự “cứng đầu” mà ông này được cho là không được lòng nhiều người. Có thông tin cho biết vào năm 2016, Kim Yong Chol từng bị kỷ luật vì ngạo mạn nhưng không mất chức. 

Thay đổi quan điểm

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, thời gian gần đây, Kim Yong Chol dường như đã thay đổi trong quan điểm về vấn đề Triều Tiên và Mỹ. Tháng 2/2018, ông đã tham gia phái đoàn Triều Tiên dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc.

Kim Yong Chol cũng là người đã tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra trong các ngày 27/4 và 27/5 vừa qua. 

Cựu tướng tình báo này cũng là một trong những nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Các nguồn tin cho biết, ông Kim Yong Chol chính là người đầu tiên phát đi thông điệp muốn tổ chức cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một nhà lãnh đạo của Triều Tiên và một tổng thống đang tại nhiệm Mỹ với thế giới bên ngoài.

Theo đó, trong chuyến tham gia Thế vận hội Mùa Đông Hàn Quốc, ông này đã thông báo với Tổng thống Hàn Quốc Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Washington. Đây được xem là một chỉ dấu bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Triều sau nhiều tháng liên tục có những đe dọa và khiêu khích qua lại lẫn nhau.

Trong tuần qua, Kim Yong Chol đã tới thủ đô New York, Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Donald Trump, trở thành quan chức cao cấp nhất Triều Tiên đặt chân đến đất Mỹ kể từ năm 2000 đến nay. Tầm quan trọng của Kim Yong Chol trong chính phủ Triều Tiên thể hiện ở việc đích thân Tổng thống Mỹ Trump đã thông báo về chuyến thăm New York của ông này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ lần này, Kim Yong Chol có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đây là cuộc tiếp xúc cao nhất của Mỹ và Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp của Phó Thống soái Triều Tiên Jo Myong Rok với Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi năm 2000.

Chuyến thăm trên cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn đang duy trì việc liên lạc trực tiếp với nhau và hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề trước thêm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trước đây, các bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên vẫn thường tới New York để phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc nhưng sự hiện diện của ông Kim Yong Chol lần này thu hút sự chú ý hơn nhiều.

“Một nhân vật quyền lực của Triều Tiên tới lãnh thổ của nước trước đó được coi là kẻ thù. Chuyến đi đó đóng vai trò như một động thái xây dựng lòng tin từ hai bên. Nó cho thấy quá trình hợp tác giữa hai bên đang được tiến hành một cách chân thành để thay đổi quan hệ”, một chuyên gia nhận định. 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.