Chiều 22-9, cộng đồng mạng xôn xao về nội dung email 'hợp đồng tình ái' được cho là của ông C.T.M. (SN 1977, ngụ quận 3, TP HCM; giám đốc Công ty V.C). Nội dung email này chứa đựng những thông tin khá dung tục và kể cả nhắc đến số tiền hàng tỉ đồng giữa hai bên.
Bản chụp cho thấy email được viết vào năm 2013. Tuy nhiên, tính xác thực của email chưa được kiểm chứng và các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-9, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đã khai với tòa rằng có một bản “hợp đồng tình ái” trị giá 16,5 tỉ đồng với điều kiện Phương Nga phải qua lại với ông M. trong vòng 7 năm, nếu trước 7 năm mà Nga bỏ ông M. thì phải hoàn trả số tiền này.
Nội dung bản hợp đồng được gởi bằng email cungtimhieu@gmail.com. Sau đó, Nga đã đánh ra giấy, được ông M. cho lăn tay và đưa cho ông M. Về nội dung này, tại tòa ông M. chưa phản ứng gì.
Bên cạnh đó, Phương Nga cho biết từ khi quen nhau ông M. hay sang nhà Nga chơi. Thứ hai, tư, sáu ông sang từ trưa đến 23 giờ. Còn thứ ba, năm, bảy sau khi chơi tenis ông M sang nhà Nga đến 5 giờ chiều.
Mỗi tháng hai người đi du lịch cùng nhau, có khi đi nước ngoài. Lời khai này của Nga ông M cũng chưa phản ứng tại tòa.
Bên cạnh đó, tòa cũng đã công bố Nga đã có đơn tố cáo ông M. vi phạm chế độ một vợ một chồng. Ngoài ra, tại tòa, đại gia M. còn cho biết có 2 lần tố cáo Nga. Cụ thể, lần đầu tố cáo vay mượn tiền không trả, lần thứ hai tố cáo lừa đảo chiếm đoạn 16,5 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) - Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 21-9, hoa hậu Phương Nga, bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã khai nhận có “hợp đồng tình ái” giữa cô và đại gia C.T.M, sau đó tòa đã trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung nhiều vấn đề không thể làm rõ tại phiên xử, bao gồm cả sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và bị hại.
Như vậy có tồn tại hay không “hợp đồng tình ái” giữa bị cáo và bị hại hay chỉ là quan hệ nhờ mua nhà là quan hệ dân sự thông thường và hệ quả sẽ như thế nào?
Về bản chất, “hợp đồng tình ái” như cách hiểu thông thường và như lời khai của bị cáo Phương Nga là một hợp đồng không có giá trị. Nếu có tranh chấp yêu cầu tòa án phân xử thì tòa sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu vì hợp đồng này không điều chỉnh bất kỳ quan hệ nào.
Thêm vào đó, việc giao kết hợp đồng này (nếu có thật) thì cũng vi phạm về đạo đức khi một bên trong hợp đồng này là một người đã có vợ (có gia đình – tức là đã đăng ký kết hôn) và chuyện hợp đồng tình ái – yêu đương hay tình dục này đã vi phạm vào chế độ hôn nhân một vợ một chồng trong Luật Hôn nhân gia đình. Nhìn ở bất cứ góc độ nào, một “hợp đồng tình ái” như vậy là hoàn toàn vô hiệu trước pháp luật.
Như vậy, không cần xét đến hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp này, chỉ cần xác định có hay không “hợp đồng tình ái” giữa bị cáo – hoa hậu Phương Nga và bị hại – đại gia C.T.M.
Trường hợp “hợp đồng tình ái” là có thật thì bản chất vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang tiến hành xét xử sẽ thay đổi hoàn toàn từ một quan hệ pháp luật hình sự trở thành một quan hệ dân sự với một hợp đồng vô hiệu. Nếu đây chỉ là một quan hệ dân sự với một hợp đồng vô hiệu, khi được yêu cầu và tòa án ra phán quyết thì hai bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Có lẽ đại gia C.T.M sẽ chẳng có gì để trả cho hoa hậu Phương Nga khi thứ ông nhận được là “tình cảm” và hoa hậu này sẽ phải hoàn trả cho đại gia này 16,5 tỉ đồng đã nhận.
Trường hợp không tồn tại một “hợp đồng tình ái” giữa vị đại gia C.T.M và hoa hậu Phương Nga thì hoa hậu này cùng đồng phạm sẽ tiếp tục bị truy tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 139 Bộ Luật Hình sự. Bị cáo này cũng sẽ không bị truy tố thêm tội danh vu khống vì đang thực hiện quyền tự bào chữa theo luật định.
Và cuối cùng, dù cho kết quả có như thế nào, thì hoa hậu Phương Nga cũng sẽ phải hoàn trả cho đại gia C.T.M số tiền 16.5 tỉ đồng, cho dù là dưới hình thức “hoàn trả” cho nhau những gì đã nhận đối với một hợp đồng dân sự vô hiệu hay là “bồi thường” như một hình phạt bổ sung đối với một bản án hình sự.