Thời điểm và mục tiêu
Bạo lực đã nổ ra chỉ một tuần sau khi Thái Lan thông qua bản Hiến pháp do quân đội soạn ra làm nền tảng trao nhiều quyền lực và chức năng cho một thượng viện gồm 250 thành viên, do chính quyền quân sự bổ nhiệm và cơ cấu để kiểm soát các đại biểu dân cử. Với tỷ lệ người đi bầu là 59% và với tỷ lệ đồng ý là 61%, cuộc trưng cầu dân ý đã thiết lập định hướng chính trị của Thái Lan cho nhiều năm nữa.
Các khu du lịch trở thành mục tiêu, bao gồm cả các khu nổi tiếng toàn cầu như Phuket và Hua Hin, nằm trong những khu vực phía Nam mà đã việc bỏ phiếu chấp thuận bản dự thảo Hiến pháp ủng hộ chính quyền quân sự. Du lịch là mạch máu của nền kinh tế Thái Lan. Dường như những kẻ tấn công hy vọng rằng nhắm vào điểm đến này sẽ mất uy tín về năng lực duy trì luật pháp và trật tự vốn được ca tụng của quân đội và làm giảm triển vọng kinh tế của Thái Lan dưới sự cai trị của chính quyền hiện tại.
Điều đáng bàn, là các quả bom đã phát nổ trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Hoàng hậu Sirikit của Thái Lan, vào đêm trước của một kỳ nghỉ cuối tuần ba ngày. Chính trường Thái Lan lại đang dịch chuyển sau hơn hai năm ổn định dưới sự lãnh đạo độc đoán của NCPO.
Loạt vụ đánh bom này và chiến dịch đốt phá tại các tỉnh miền Nam Thái Lan báo trước nhiều nguy cơ biến động và bạo lực; đất nước hiện đang cần phải có sự thỏa hiệp và cùng chung sống. Chính quyền quân sự sẽ nỗ lực hết sức để không mất đi lợi thế có được sau cuộc trưng cầu dân ý, trong khi đối thủ của nó sẽ dồn sức vào chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quốc gia được hứa hẹn vào năm 2017. Bất chấp bản hiến pháp gây tranh cãi, cử tri Thái Lan – chứ không phải thủ phạm của các vụ đánh bom mới nhất – sẽ quyết định nền chính trị của Thái Lan diễn tiến như thế nào trong thời gian tới.
Động cơ nào?
Trên nhật báo The Nation có bài viết “Liệu thay đổi chế độ có phải là động cơ của loạt vụ đánh bom vừa qua?” đưa ra nhận định về động cơ, thủ phạm của loạt vụ đánh bom vừa qua ở miền Nam Thái Lan cùng giả thuyết về vai trò của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo đó, một giả thuyết phổ biến nhiều người thiên về là sự liên đới của các nhóm chiến binh miền Nam và lực lượng chính trị bị lật đổ liên kết với một cựu thủ tướng lưu vong. Mục tiêu của các cuộc tấn công, theo giả thuyết này, là để đánh vào yếu huyệt của chính phủ hiện nay, cụ thể là du lịch – vốn có doanh thu cao nhất trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang giáng mạnh vào cán cân tài khoản vãng lai của Thái Lan cũng như túi tiền của người dân.
Thuyết “âm mưu” càng trở nên có cơ sở hơn với việc hôm 13/8, tờ The New Atlas nhận định rằng Mỹ đã đóng vai trò tạo điều kiện cho những hỗn loạn chính trị ở Thái Lan. Một cuộc điện mật hồi năm 2009 của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok do Wikileaks công bố đã thừa nhận rằng, “các lực lượng chính trị” của cựu thủ tướng bị lật đổ “có khả năng đang hoạt động ở miền Nam, sử dụng xung đột làm bình phong”.
Tuy nhiên, theo bài viết này, Mỹ đã tảng lờ vấn đề này khi đề cập đến hành động vi phạm nghiêm trọng của cựu thủ tướng và sử dụng “dân chủ” như là sự biện minh. Trên thực tế, việc nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok thường xuyên tiếp cận với các thành viên của phe Áo Đỏ trong nhiều năm qua kể từ khi cựu thủ tướng lưu vong đã được sử dụng để xác nhận giả thuyết này.
Một số chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có khả năng là chính phe chủ chiến ở miền Nam đã thực hiện các cuộc tấn công để làm bẽ mặt các bộ máy an ninh của chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng sẽ rất khó để xác định nhóm hoặc các nhóm nào có liên quan bởi các tổ chức này thường hoạt động độc lập.
Kết quả bỏ phiếu thắng lợi vang dội của chính phủ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã không làm thay đổi tình hình ở miền Nam, nhưng đã làm thay đổi cảnh quan chính trị đối với phe chính trị đã bị lật đổ ở Thái Lan. Một số thành viên của lực lượng này đã thừa nhận rằng thất bại của họ có nghĩa là chính phủ hiện nay có khả năng sẽ tiếp tục cầm quyền trong một thời gian nữa, và một cuộc bầu cử mới sẽ không đảm bảo đưa phe này trở lại nắm quyền. Các thành viên khác của phe này thì hiếu chiến hơn, tìm cách lật đổ chính phủ bằng cách tấn công vào nơi dễ tổn thương nhất - nền kinh tế.
Không phủ nhận rằng Mỹ đã dính líu vào các hoạt động thay đổi chế độ ở khắp nơi trên thế giới nhiều lần và theo nhiều cách không thể thống kê được. Nhưng đối với Thái Lan, liệu Mỹ sẽ có lợi nhất khi để nước này bất ổn chính trị trong bối cảnh cán cân quyền lực chính trị quốc tế và khu vực ngày càng trở nên đầy thách thức hay không? Liệu việc thay đổi chế độ có đảm bảo sự trở lại của nền dân chủ mà Mỹ quá nhiệt thành rao giảng?.