Hiệp hội Du lịch Hà Nội phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức hội nghị “Quảng bá, xúc tiến chương trình mở cửa tham quan Đại nội về đêm”, với mong muốn tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản miền Trung.
Đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động mở cửa ban đêm ở khu Đại nội, theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, TS. Phan Thanh Hải, từ năm 2007 đến nay, hoạt động dịch vụ và mở cửa tham quan ban đêm tại khu di tích Hoàng Thành từng đưa vào thực hiện qua các chương trình “Đêm hoàng cung” nhưng chưa đạt hiệu quả.
Thực trạng này cho thấy việc phát huy các thế mạnh về đêm của khu di sản đã được chú ý nhưng đạt hiệu quả chưa cao. Do vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ, quy hoạch, sắp xếp, bố trí tạo dựng các điểm nhấn để khai thác hoạt động mở cửa Đại nội ban đêm trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Một mặt, tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, môi trường văn hóa khu di tích, xứng tầm với giá trị và tầm vóc của khu di sản văn hóa Huế. Mặt khác, hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển, khai thác Đại nội là điểm đến tham quan vào ban đêm trong chuỗi di sản kiến trúc ở Huế, góp phần giữ chân du khách ở Huế, kích thích tăng trưởng dịch vụ khách sạn cùng các loại hình dịch vụ khác.
Với mục đích đó, chương trình mở cửa tham quan Đại nội về đêm sẽ bắt đầu từ ngày 22.4, từ 19h - 22h, du khách tham gia chương trình sẽ được trải nghiệm cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế xưa từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh...; những trải nghiệm ấn tượng về các nghi thức cung đình xưa như Lễ đổi gác, trình tấu đại nhạc, tiểu nhạc…; xem các chương trình nghệ thuật (cấm vệ quân luyện võ, múa côn lửa), trình tấu nhã nhạc...
Tiến sĩ Phan Thanh Hải giới thiệu chương trình. |
Theo ý kiến của các doanh nghiệp du lịch tại hội nghị, chương trình là nguyên nhân nội sinh để phục vụ du lịch, song phải kết hợp với các hoạt động văn hóa mang tính chất truyền thống. Bởi, nếu chỉ đưa khách tham quan cố đô trải nghiệm các hoạt động tại đây sẽ không đầy đủ và hấp dẫn nên rất cần xây dựng các hoạt động bổ trợ.
Hơn nữa, để chương trình tạo được điểm nhấn, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nên thận trọng khi xây dựng các hoạt động, làm sao để hài hòa, hợp lý về không gian, thời gian, tần suất diễn ra các hoạt động. Đặc biệt, cần nắm bắt các đối tượng khách khác nhau để đáp ứng nhu cầu nhằm đạt hiệu quả cao.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân cho rằng việc đưa vào hoạt động mở cửa “Đại Nội về đêm” là hết sức cần thiết, góp phần giữ chân du khách đến Huế, kích thích tăng trưởng dịch vụ khách sạn cùng các loại hình dịch vụ khác.
Cũng trong Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành đã đưa ra các ý kiến trao đổi, đóng góp cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế, bày tỏ mong muốn được khảo sát thực tế trước khi chương trình chính thức đi vào hoạt động để kịp thời có kế hoạch quảng bá cho du khách và chủ động đưa chương trình vào tour.
Trước những ý kiến đóng góp từ các khách mời, Tiến sĩ Phan Thanh Hải chia sẻ Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho đại diện các đơn vị lữ hành được làm thẻ tham quan miễn phí, đồng thời du khách sẽ được phát tờ rơi gồm có bản đồ Đại Nội Huế và khung thời gian diễn ra các chương trình, sự kiện.
Năm 2016, quần thể di tích Cố đô Huế thu hút trên 2,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trong đó, số lượt khách đến tham quan Hoàng Thành đạt trên 1,2 triệu lượt. Với những thế mạnh như vậy, “Đại Nội về đêm” hy vọng sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá di sản miền Trung.