Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (từ 15-19/6) do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với hơn 20 đối tác trong và ngoài nước tổ chức, ngày 17/6, VIAC đã tổ chức Hội thảo “Hành trình 10 năm Luật Trọng tài thương mại (TTTM): Cơ hội và thách thức”.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Tăng trên 300%
Luật TTTM chính thức được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. GS.TSKH Đào Trí Úc, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật TTTM, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nhớ lại: Đó là vào thời điểm năm 2008, cả nước có 7 Trung tâm TTTM, số lượng trọng tài viên (TTV) còn rất ít; VIAC lúc đó có 128 TTV. Trong khi VIAC chỉ tiếp nhận 48 vụ trong năm 2008 thì hệ thống tòa án quá tải với trên 108.000 vụ thụ lý (tranh chấp dân sự, kinh doanh – thương mại và lao động)/81.000 vụ được giải quyết.
Theo LS. Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC, chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003-2010. Các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Chính sự gia tăng của số vụ tranh chấp đưa ra giải quyết tại trọng tài là một trong những diểm sáng của thị trường TTTM” - LS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, khẳng định. Riêng VIAC ghi nhận 274 vụ trong năm 2019, tăng gấp 4-5 lần so với năm 2010.
Ngoài ra, nhận thức của DN về TTTM được cải thiện. Luật sư tham gia nhiều hơn trong các vụ tranh chấp được giải quyết tại trọng tài hay việc các TTV của Việt Nam đã và đang khẳng định được tên tuổi trên thế giới, được cộng đồng luật sư và DN quốc tế lựa chọn khi giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài nước ngoài.
Đánh giá 10 năm thi hành Luật TTTM, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, cho rằng, đó là nhận thức của cơ quan nhà nước, công đồng DN biết đến phương thực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp.
“Không phải nghe những câu hỏi ngô nghê như kiểu: “Có trọng tài à? Đội nào đấu với đội nào?” mà thay vào đó là “Giới thiệu cho chúng tôi một trung tâm trọng tài! Cách nào đưa vào hợp đồng quy định phương thức giải quyểt bằng trọng tài…”. Khi người dân và DN đã ý thức được phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì về lâu dài, trọng tài có “đất sống”…”- bà Mai phát biểu.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại
Một loạt bất cập trong thực hiện Luật TTTM đã được chỉ ra, đó là: Thẩm quyền của trọng tài và quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam; Quy định “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” chưa được hiểu thống nhất; Việc Luật TTTM chỉ giới hạn thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết mới có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài không hợp lý và không tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp; Chưa thống nhất trong cách hiểu quy định về mất quyền phản đối; Cần làm rõ quy định về việc thành lập Hội đồng Trọng tài; Làm rõ quy định về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; Làm rõ quy định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài với trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên tranh chấp; Thống nhất các thuật ngữ liên quan đến phán quyết trọng tài; Hướng dẫn cụ thể về hủy phán quyết trọng tài...
Theo đề xuất của VIAC, qua 10 năm thi hành.Luật TTTM đã bộc lộ một số hạn chế nêu cần kịp thời sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trọng tài phục vụ hiệu quả cho việc cải cách và hội nhập.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai, trong số 30 trung tâm trọng tài hiện nay, vẫn có Trung tâm chưa giải quyết vụ việc nào, nhiều TTV chưa đủ kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế. Đặc biệt, với vụ TAND TP Hồ Chí Minh vừa tuyên hủy Quyết định của trọng tài, đây là việc rất nguy hiểm, làm mất nhiều tin của người dân, DN vào phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.. Cùng với đó, hệ thống pháp luật Việt Nam chằng chịt chưa hiểu tranh chấp nào giải quyết bằng trọng tài, những tranh chấp liên quan đến lao động hay đất đai có giải quyết bằng trọng tài hay không, vẫn chưa rõ…
“Cơ sở pháp lý về trọng tài của ta rất nhất quán, ngay từ thời có Nghị quyết 49 năm 2005, tuy nhiên, đã đến lúc cần hoàn thiện thể chế về trọng tài để có thể tận dụng tối đa cơ hội của Việt Nam hậu Covi-19. Cùng với đó, cũng cần sớm thành lập Hiệp hội về trọng tài, nâng cao chất lượng của TTV…” - bà Mai phát biểu.