Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, cần có cách tiếp cận tốt khi xây dựng khung khổ chính sách để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp…
Dự án PPP và Luật PPP
Tại Hội thảo: “Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng” do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo mô hình PPP đã được áp dụng tại Việt Nam và đã khẳng định được đây là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến tháng 1/2019 đã có 336 dự án PPP được ký kết (140 dự án BOT, 188 dự án BT và 08 dự án khác). Riêng trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT bắt đầu triển khai dự án PPP từ năm 1997 và đến nay có 68 dự án với tổng giá trị 209 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lĩnh vực đường bộ với đa phần là các dự án theo hình thức BOT.
Thực tế cho thấy, các dự án BOT ngành GTVT nóng trong thời gian qua cũng liên quan đến câu chuyện hợp đồng và theo Phó Chủ tịch VCCI, các vụ kiện giữa nhà đầu tư - nhà nước trong phát sinh từ hoạt động đầu tư theo hình thức PPP đang được xã hội rất quan tâm.
“Nếu chúng ta có cách tiếp cận tốt vấn đề giải quyết tranh chấp, khi xử lý từng vụ việc hay khi xây dựng khung khổ chính sách, là hành động rất cụ thể và có ý nghĩa để xây dựng quan hệ PPP bền chặt. Nó giúp tạo dựng được niềm tin cho NĐT, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng của đất nước"- ông Phòng nhấn mạnh.
Là đơn vị được giao chủ trì dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, quan điểm xây dựng dự luật này là tạo khuôn khổ pháp lý đảm bảo hoạt động hợp tác công tư sẽ được diễn ra minh bạch, công bằng; đảm bảo vai trò giám sát tài sản công của NN nhưng cũng tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của NĐT tư nhân trong mối quan hệ đối tác.
Về lộ trình, hiện Luật PPP đang được thảo luận để xin ý kiến lần đầu, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ hợp giữa năm 2020 và có hiệu lực vào đầu 2021 …
Băn khoăn…
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đặt vấn đề: “Nói đến Hợp đồng là bình đẳng, nhưng một bên là tư nhân, một bên là NN, làm sao bình đẳng?”
Theo PGS TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình thạc sỹ Quản lý công – Đại học Fulbright Việt Nam, NN điều tiết là đương nhiên, nhưng NN là một bên tham gia hợp đồng vì vậy phải có nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng.,. “Trường hợp thay đổi luật gây thiệt hại cho NĐT thì phải bồi thường, không có nguồn thu nữa thì NN phải mua lại Dự án như trường hợp cầu Phú Mỹ…”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong các hợp đồng PPP, NN sẽ có 2 vai trò: Vừa là đối tác của NĐT và vừa là người điều tiết các hợp đồng PPP, ông nhấn mạnh: “Cũng cần lưu ý rằng nếu có tranh chấp xảy ra thì NĐT sẽ chủ yếu dựa vào hợp đồng như một văn kiện chính thức, nếu bên NN có vi phạm thì NĐT sẽ khởi kiện để giải quyết tranh chấp giữa NĐT và NN. Vì vậy, NN cần lưu ý thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng để đảm bảo cho NĐT được an tâm khi ký kết hợp đồng...”.
Trong khi đó, theo ông Hong-sik Chung, giáo sư Luật, Trường Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) điều quan trọng nhất mà NĐT PPP quan tâm ở thời điểm hiện tại là những thay đổi trong Luật PPP, đây chính là chìa khóa để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực PPP. Ông Hong-sik Chung cũng cho rằng, với các NĐT Hàn Quốc, điều khoản bảo lãnh tối thiểu sẽ giúp họ yên tâm khi đầu tư vào các dự án PPP tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông IM Byung Woo – Công ty Luật KIM & CHANG cho rằng, vấn đề đảm bảo của NN đối với các dự án PPP chỉ là một trong những lý do dẫn đến tranh chấp. Liên quan đến vấn đề tài trợ của NN cho các dự án PPP trong tương lai, ông IM Byung Woo cho biết nguồn tài trợ này thường dựa trên dòng tiền trong tương lai, ông này chia sẻ: “Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, việc dự báo được tương lai của dòng tiền trong 20-30 năm và bảo lãnh của NN là hai yếu tố quan trọng trong việc hạn chế rủi ro cho cả NN lẫn NĐT…”.
Ông IM Byung Woo cũng cho biết, pháp luật về PPP của Hàn Quốc quy định Chính phủ có quyền đơn phương điều chỉnh hợp đồng trong các trường hợp cần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và khuyên Việt Nam có thể học hỏi để đưa điều khoản này vào Luật… Liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho rằng ở nước ta chưa có cơ chế thi hành các quyết định của Ủy ban giải quyết tranh chấp (DAB) và đây là một hạn chế, dẫn đến việc các bên đi thẳng đến trọng tài mà không sử dụng DAB. Đây là vấn đề mà các nhà lập pháp cần xem xét để đưa vào Dự thảo Luật PPP …”.