Hàng chục nghìn số điện thoại di động đứng trước nguy cơ bị thu hồi do những vi phạm về đăng ký thông tin thuê bao. Nhưng cũng có hàng nghìn số khác bị thu hồi do người dùng lơ đãng vi phạm quy định về thời gian giữ số.
35.000 thuê bao bị đề nghị thu hồi
Mới đây, trong đợt thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phát hiện hơn 35.000 thuê bao vi phạm các quy định về độ chính xác của thông tin. Cơ quan này đã phát đi khuyến cáo và yêu cầu các hãng viễn thông tiến hành cắt liên lạc với các thuê bao bị phát hiện vi phạm trên. Trước đó, cuối tháng 7/2011, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chuyển dữ liệu của hơn 4 triệu thuê bao trả trước sang cơ quan công an để đối chiếu, kiểm soát.
Theo quy định, việc kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao chỉ được thực hiện khi chính chủ đăng ký thông tin theo quy định. Việc lưu thông những sim đã được kích hoạt sẵn đều không được phép. Tuy nhiên, sau thời điểm 31/12/2009 - ngày cuối cùng để thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin, tình trạng thuê bao ảo vẫn tiếp tục tái diễn.
Việc mua sim vẫn diễn ra khá dễ dàng, và không phải khách hàng nào cũng tuân thủ quy định đăng ký thông tin, cũng như không phải đại lý nào cũng “sẵn lòng” thực hiện các thao tác đăng ký thông tin cho mỗi khách đến mua. Việc đăng ký thông tin khi mua sim trả trước theo đúng quy định gần như chỉ được áp dụng tại các điểm giao dịch của nhà mạng - chiếm tỷ lệ không lớn và không phải lúc nào cũng nằm ở những vị trí thuận lợi.
Về việc nhiều thuê bao một ngày tình cờ phát hiện ra thông tin đăng ký của mình không được cập nhật dữ liệu chính xác, đại diện mạng VinaPhone cho hay, thời gian qua nhà mạng này cũng có văn bản gửi tới các đại lý chấn chỉnh hoạt động quản lý thông tin cá nhân thuê bao. Bản thân hãng cũng gửi tin nhắn kèm theo các cú pháp để khách hàng tiện kiểm tra lại dữ liệu cá nhân. “Tại thời điểm này, nếu thuê bao di động phát hiện thông tin cá nhân của mình chưa đúng có thể đến ngay cửa hàng, đại lý để khai báo. Cách thức này vừa hạn chế cho khách chuyện tranh chấp sim số và giảm được nguy cơ bị cắt liên lạc bất cứ lúc nào” – vị này nói.
Mất sim vì quên quy định của nhà mạng
Thời gian gần đây, chia sẻ trên các diễn đàn về sim số, nhiều thành viên đã phàn nàn một ngày lôi sim ra kiểm tra mới biết chỉ còn lại cái xác thẻ, số đã bị thu hồi từ lâu. Trên thực tế, chính sách về thời gian giữ số và quy định về thu hồi số đã được nhà mạng thông báo rộng rãi từ lâu, nhưng không phải đại lý nào, nhất là những đại lý nhỏ, cũng nắm được hết. Người tiêu dùng bình thường lại còn lơ mơ hơn.
Chính vì thế, sau vài ba tháng đi nước ngoài, khi trở về đưa chiếc sim ngày sinh yêu quý ra dùng, chị Hoàng Nguyễn Lâm Chi (Hà Nội) mới ngã ngửa khi không thể sử dụng được, và số điện thoại đó giờ đã thuộc sở hữu của một người ở tận… Lạng Sơn. “Nhân viên nhà mạng giải thích là mình để số quá lâu mà không phát sinh cước, không gọi đến gọi đi nên thuộc diện bị thu hồi” – chị Lâm Chi tiếc rẻ.
Quy định về việc thu hồi số được các nhà mạng ban hành đối với cả thuê bao trả trước và trả sau. Theo đó, với những sim nợ cước, chuyển từ trả sau sang trả trước quá một tháng không kích hoạt hay tùy từng hãng viễn thông mà quá 3-6 tháng không phát sinh cước gọi, nhắn tin... đều sẽ hết hạn sử dụng. Trước đây, quy định giữ số trên hệ thống tối đa 30 ngày chỉ áp dụng đối với thuê bao di động trả trước. Mới đây, cách thức này cũng được các nhà mạng áp dụng với cả các thuê bao trả sau.
“Khi áp dụng quy định này, chúng tôi đã gửi thông báo cho đại lý và đăng tải công khai trên website của mình. Quy chế của nhà mạng được xây dựng trên những quy định do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Do vậy, người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ không có cách nào khác là phải tuân thủ” – đại diện mạng VinaPhone bình luận.
Trâm Mai