Phiên xử vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra tại TAND tỉnh Thừa Thiên Huế một ngày giữa tháng 9/2016 thu hút rất đông người dự khán. Họ hầu hết là gia đình các bị hại, đến tòa mong tìm cách “gỡ gạc” được chút ít số tiền đã bị lừa.
Bị cáo là Nguyễn Văn Tùng (53 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trước khi bị bắt, Tùng giữ chức vụ phó Bí thư Đảng ủy một phường tại Huế. Nhờ cái “mác” chức vụ đó, Tùng lừa trót lọt hàng loạt bị hại, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ. Trong đó, Tùng lừa bán đất di dời, giải tỏa, chiếm đoạt 805 triệu của hai bị hại; lừa đảo xin việc, chiếm đoạt 1,4 tỷ của 9 bị hại.
Tóc muối tiêu, bị cáo Tùng hai tay bị còng cứng, lê từng bước nặng nề vào phòng xử án. Vài người khẽ chép miệng: “Sao mà nhanh xuống sắc quá”, “Ăn chi tiền mồ hôi nước mắt của người ta, giờ khổ không?”.
Khán phòng nhỏ, vành móng ngựa được kê gần với hàng ghế của các bị hại, bao nhiêu câu nói dưới kia, đều lọt vào tai bị cáo. Tấm lưng to lớn mới qua tuổi 50, vốn cứng cáp, mạnh mẽ giờ rũ xuống, cong vòng rệu rã nơi vành móng ngựa, vì xấu hổ hay hối hận?
Thủ đoạn tinh quái
Tùng khai, cuối năm 2010, trong một lần đến ăn nhậu tại quán của anh Nguyễn Gia Bình (mở tại đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát), Tùng nói dối anh Bình có lô đất diện tích 200m2 tại đường này, do UBND TP Huế cấpvới giá ưu đãi là 5,5 triệu đồng/m2, nay muốn chuyển nhượng lại. Anh Bình tưởng thật nên tỏ ý muốn mua.
Tùng yêu cầu anh Bình phải đặt cọc trước 50% giá trị lô đất, 50% còn lại sẽ trả góp cho Nhà nước trong 10 năm, không phải trả lãi; khi nào Nhà nước giao đất và thẻ đỏ, Tùng sẽ làm thủ tục chuyển nhượng. Tin tưởng Tùng, anh Bình đã giao cho Tùng 30 triệu.
Để anh Bình tin tưởng tiếp tục giao tiền, Tùng đã làm giả Thông báo của UBND TP Huế bằng cách tự soạn thảo văn bản có nội dung: “…UBND TP Huế bố trí cho ông Nguyễn Văn Tùng; cán bộ lãnh đạo cơ quan phường… lô đất đôi”… và “…Thông báo với hộ ông Nguyễn Văn Tùng đến Công ty kinh doanh nhà và đất đặt cọc số tiền 50% là 550.000.000 đồng”.
Sau khi soạn xong nội dung văn bản, Tùng in ra, rồi lấy một văn bản của UBND TƠ Huế (thông báo cũ về việc tổng vệ sinh và treo cờ Tổ quốc trong dịp lễ do Tùng cất giữ từ trước) có khuôn dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND TP Huế (bản photocopy), cắt lấy phần có khuôn dấu cùng chữ ký, đem dán vào phần dưới của Thông báo do Tùng tự soạn thảo, mang đi photocopy lại, đưa anh Bình. Thấy rõ “giấy trắng mực đen”, giữa năm 2012, anh Bình chẳng mảy may nghi ngờ, giao tiếp cho Tùng 475 triệu, sau đó giao thêm 50 triệu.
Đến giữa năm 2014, Tùng tiếp tục làm giả Thông báo của Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng, với nội dung thông báo nộp thêm tiền để phục vụ cho hệ thống điện, nước… Thông báo này Tùng làm giả bằng cách tự soạn thảo toàn bộ nội dung, lấy tên một đơn vị không có trên thực tế (Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng TP Huế).
Tùng tự ký văn bản và ghi chức danh Trưởng phòng, tự đặt tên người ký là Nguyễn Minh Tuấn. Con dấu được Tùng sử dụng là con dấu của HĐND phường nơi Tùng đang công tác do Tùng giữ, đóng mờ nhoè vào Thông báo rồi đem đi photocopy, đưa anh Bình, lấy thêm 40 triệu.
Cũng với chiêu thức lừa đảo như trên, Tùng đã chiếm đoạt của anh Lê Văn Hoàng 210 triệu đồng. Sau khi mọi việc bị vỡ lở, Tùng đã bồi thường cho anh Bình 150 triệu đồng.
HĐXX hỏi: “Khi bị cáo làm giả các giấy tờ, có nhờ ai khác giúp đỡ không?”. “Dạ bị cáo tự nghĩ ra và làm một mình”. “Số tiền bị cáo chiếm đoạt dùng để làm gì?”. “Dạ bị cáo tiêu xài, rồi ăn nhậu hết”. “Bị cáo có mang tiền đó về nhà, sử dụng trong gia đình không?”. “Dạ không”. “Lô đất bị cáo bán cho anh Bình, trên thực tế có không?”. “Dạ không có. Bị cáo dẫn anh Bình ra chỗ giải tỏa, rồi chỉ tầm bậy tầm bạ”.
Có mặt tại tòa, bị hại Hoàng và Bình đều thừa nhận bị cáo có dẫn họ đi xem đất. Nhưng khu đất trống đang giải tỏa, nham nhở, hoàn toàn chưa có xây dựng gì, không có dân lui tới. Bị cáo chỉ vạt nọ, vạt kia, bảo đấy là đất của mình. Họ cứ nghĩ Tùng là phó bí thư của một phường, chắc chắn không thể lừa đảo.
Nỗi lo đến chết chưa được bồi thường
Trong 9 bị hại bị Tùng lừa chạy việc, mỗi người một cảnh. Có người con ra trường lâu chưa có việc làm, nên nhờ kiếm giúp; có người cứ mãi quanh năm phải đi dạy hợp đồng, nên nhờ Tùng chạy vào biên chế. Tùng “nổ”, mình có thể chạy việc vào ngành giáo dục, sở y tế, kho bạc nhà nước, phòng tài nguyên môi trường, sở kế hoạch đầu tư… cứ thế các bị hại “vô tư” “dâng” tiền cho Tùng.
Một bị hại khai, bà đi bán vé số. Những đồng tiền ít ỏi từ công việc này có chắt chiu dành dụm cũng chẳng dư dả được mấy. Con gái bà tốt nghiệp trường sư phạm, chưa chỗ nào tuyển dụng. Thấy con học hành đàng hoàng, cứ phải loay hoay làm thứ này thứ khác, bà xót ruột.
Năm đó, nghe tin Tùng có khả năng xin được việc nên nhờ giúp. “Tui bán vé số, chồng tui thì làm ruộng, mô có tiền, vay khắp nơi được 120 triệu để nhờ chạy việc. Cứ đinh ninh việc có rồi, con gái sẽ làm, từ từ trả nợ ngân hàng”.
Bà quê ở huyện Quảng Điền. Mỗi ngày, cứ sáng sớm bà đã phải cọc cạch đạp chiếc xe cà tàng, vượt hàng chục cây số vào trung tâm Huế lấy vé số, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán. Số tiền 120 triệu là quá lớn với bà.
Thấy mãi Tùng vẫn không kiếm được việc, cả nhà bà như ngồi trên đống lửa, trong khi nợ ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng. Cuối cùng không đợi được, bà quay lại đòi tiền. Đòi mãi, đòi mãi, cuối cùng Tùng cũng trả cho bà 110 triệu, còn nợ lại 10 triệu. Có lẽ bà là một trong những bị hại hiếm hoi, may mắn được trả lại gần hết số tiền đã chiếm đoạt.
Một bị hại khác đến tòa với cái bụng vượt mặt vì sắp đến ngày sinh nở. Chị khai năm 2014, lúc đó mới ra trường, chưa có việc làm, nghe Tùng có khả năng xin được việc nên tin tưởng đưa hồ sơ cho Tùng, đến gặp mặt lần đầu giao 150 triệu. Tháng sau Tùng lấy cớ tình hình khó khăn, xin việc hơi khó, đòi thêm 50 triệu nữa. Ai ngờ dài cổ chờ đợi mãi vẫn không có việc, hôm nay phải ra đến tòa để gặp Tùng.
Đại diện VKS có ý kiến bị cáo Tùng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã khắc phục một phần hậu quả, có đơn xin giảm nhẹ mức án của bị hại nên đề nghị mức án từ 9 năm 6 tháng – 10 năm 6 tháng tù.
Nhiều bị hại phản đối, cho rằng mức án trên là quá nhẹ. Một bị hại tranh luận, theo Điều 139 của BLHS, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
“Bị cáo lừa đảo mười mấy người, nhưng chỉ bồi thường một hai người thì không thể xem là đã khắc phục hậu quả. Một bị hại có đơn xin giảm nhẹ mức án, nhưng người này không thể đại diện cho mười mấy bị hại khác, nên không thể xem đây là tình tiết giảm nhẹ”.
VKS phản bác, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, chỉ cần bị hại có xin giảm nhẹ hình phạt, có khắc phục hậu quả, không kể nhiều hay ít, đều được xem là tình tiết giảm nhẹ.
Một bị hại lo lắng, hiện ông chưa được bị cáo bồi thường đồng nào. Nếu đến lúc bị cáo ra tù, vẫn không chịu bồi thường thì làm sao? Có cách gì để “siết” nhà cửa, tài sản của bị cáo để thi hành án không?
“Nếu đến lúc tui chết đi, bị cáo vẫn chưa chịu bồi thường số tiền kia, thì con tui có được tiếp tục đòi bị cáo bồi thường không?”, bị hại này ưu tư. Theo VKS, CQĐT đã xác minh tài sản và tiền trong tài khoản của bị cáo.
Hiện bị cáo không có bất cứ tài sản gì, nên không thể thi hành án. Nghe đến đây, nhiều bị hại thở dài thườn thượt: “Đi tù là hết. Coi như mất trắng rồi, có chờ đến bạc đầu cũng chẳng trông mong lấy lại được tiền”.
Sau khi nghị án, quá trưa, HĐXX mới ra tuyên án, tuyên phạt bị cáo 12 năm tù.