Cháy chung cư mini ở Hà Nội

Hàng loạt chung cư mini bị hỏa hoạn: Quy rõ trách nhiệm, điều tra tận gốc vấn đề

Thiết kế “không lối thoát” của tòa chung cư mini bị cháy. (Nguồn ảnh: laodong.vn)
Thiết kế “không lối thoát” của tòa chung cư mini bị cháy. (Nguồn ảnh: laodong.vn)
(PLVN) - Các chung cư mini xuất hiện trên địa bàn Hà Nội và các đô thị lớn khoảng vài chục năm trở lại đây; Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng được ban hành hơn 20 năm, nhưng cho tới nay, công tác quản lý về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Hành lang pháp luật không thiếu, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm.

Sai phạm tràn lan

Bất cập lớn nhất của các chung cư mini (CCMN) hiện nay là có diện tích nhỏ, thông thường chỉ khoảng 180m2, nhưng có quy mô từ 5 đến 10 tầng, với hàng chục căn hộ. Ban đầu, khi xin phép xây dựng, nhiều chủ đầu tư đều đưa ra lý do là xây nhà ở, nhưng sau đó đã âm thầm chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thành căn hộ cho thuê hoặc vừa ở, vừa cho thuê. Đồng thời, để tối ưu lợi nhuận, các chủ đầu tư thường tăng mật độ xây dựng, cơi nới thêm từ 1 - 3 tầng so với giấy phép.

Do diện tích nhỏ hẹp nên các CCMN hầu như không có lối thoát hiểm; không bảo đảm các yêu cầu về an toàn, phòng cháy, chữa cháy (PCCC); cơ sở vật chất và các dụng cụ PCCC thường chỉ mang tính đối phó. Bên cạnh đó, vì nằm xen kẽ trong các khu dân cư nên rất khó khăn cho công tác cứu hộ mỗi khi xảy ra cháy, nổ.

Mới nhất và điển hình nhất là vụ hỏa hoạn tại CCMN tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vào tối 12/9 vừa qua, để lại hậu quả vô cùng lớn. Đây là chung cư có 9 tầng, mỗi tầng có 5 căn hộ với diện tích từ 35m2 đến 56m2/căn. Thời điểm lửa bùng phát, do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào để dập lửa.

Trước đó, vào tháng 3/2023, cũng tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, một vụ cháy CCMN đã xảy ra tại số 315 Vũ Tông Phan - nơi có hơn 170 người đang sinh sống tại tòa nhà này. Ngoài ra, tại các quận Đống Đa, Cầu Giấy... trong thời gian gần đây cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy CCMN, để lại nỗi ám ảnh lớn không chỉ đối với các cư dân sống tại tòa nhà mà còn đối với mọi người xung quanh.

Từ các vụ hỏa hoạn này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, các tòa nhà cao tầng cho thuê, về cơ bản không có khả năng phòng tránh cháy, nổ. Vấn đề đặt ra, phải chăng quy định pháp luật còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc xây dựng, khai thác, vận hành các CCMN đang nằm ngoài pháp luật? Hay do khâu tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, cụ thể là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đang làm ngơ cho sai phạm, thậm chí là “phạt cho tồn tại”?

Chấn chỉnh ngay việc buông lỏng quản lý

Theo Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC và quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an cho thấy, ngoài Luật PCCC năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), hơn 20 năm qua, Chính phủ đã ban hành 12 nghị định về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định và 4 chỉ thị về công tác PCCC và CNCH; các Bộ đã phối hợp xây dựng và ban hành được 44 thông tư, thông tư liên tịch về PCCC và CNCH. Cùng với đó, các Bộ, ngành đã tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH. Đến nay, đã có tổng cộng trên 250 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC và CNCH đang có hiệu lực.

Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp tại khu dân cư; trong giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Công an đã ban hành 2 kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trong đó đề ra cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện một cách xuyên suốt, lâu dài và có hiệu quả... Bên cạnh đó, thời gian qua, Quốc hội đã tổ chức nhiều đoàn giám sát việc thực hiện Luật PCCC đối với một số Bộ, ngành và UBND địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm và đưa ra những vấn đề bức xúc nổi lên trong lĩnh vực an ninh trật tự, trong đó có công tác PCCC để thảo luận và ra Nghị quyết.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9 liên quan tới vấn đề phòng cháy, chữa cháy. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9 liên quan tới vấn đề phòng cháy, chữa cháy. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Như vậy, hành lang pháp lý cho công tác quản lý về PCCC đã cơ bản đầy đủ; việc thanh tra, kiểm tra cũng được tiến hành cả thường xuyên, đột xuất và mở cao điểm. Nhưng rất nhiều vụ cháy nghiêm trọng (trong đó có cháy nhà cao tầng, CCMN) vẫn diễn ra, nguyên nhân do đâu?

Trước câu hỏi này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, bên cạnh việc chủ đầu tư chỉ chú trọng lợi ích trước mắt mà cố tình vi phạm các quy định về an toàn về PCCC của công trình thì nguyên nhân sâu xa là công tác quản lý không chặt chẽ, có dấu hiệu “bảo kê” cho các công trình vi phạm.

Những hành động quyết liệt nhằm xử lý tận gốc sai phạm, để đưa công tác quản lý các CCMN vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật để hạn chế nguy cơ hỏa hoạn thì hầu như chỉ làm chiếu lệ.

Có thể nói, nếu công tác thẩm định, phê duyệt nghiệm thu về PCCC đối với các CCMN và nhà cao tầng được thực hiện nghiêm thì sẽ không có nhiều vụ hỏa hoạn đau lòng xảy ra. Trên thực tế, rất nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng (trong đó có CCMN) sai phép, không đủ điều kiện sử dụng; sau khi thanh, kiểm tra, các cấp chính quyền đều yêu cầu đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, dù chưa khắc phục đầy đủ các sai phạm, những công trình này vẫn ngang nhiên “mọc” lên và đưa vào khai thác, bất chấp sự lo ngại của dư luận và an toàn về PCCC.

Để đưa được các CCMN vào sử dụng, ngay từ khâu thiết kế, xin phép xây dựng đến hoàn thiện kết cấu..., chủ đầu tư đã bỏ ra không ít chi phí “biết điều”. Cứ mỗi lần có kiểm tra, mỗi lần có quyết định tạm đình chỉ là một lần có chi phí “bôi trơn”. Nhiều chủ đầu tư đã không giấu giếm thổ lộ rằng, với mỗi tầng xây thêm ngoài giấy phép là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng chi phí đi lại, “lót tay”...

Việc này hầu như ai cũng biết và các cơ quan có chức năng, có thẩm quyền không hẳn là không tiếp cận được thông tin, nhưng các sai phạm không những không được chấn chỉnh mà còn tiếp tục tái diễn và kéo dài có hệ thống.

Liên quan đến vụ cháy CCMN tại số nhà 37, ngõ 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân,TP Hà Nội), ngay sau vụ cháy 1 ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nghiêm Quang Minh - là chủ của chung cư - về tội “Vi phạm quy định về PCCC”. Việc làm này là cần thiết, nhưng đây chỉ là giải pháp “ngọn”, không thể khắc phục được những thiệt hại, mất mát rất lớn đã xảy ra. Cái gốc của vấn đề là phải có giải pháp, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những vi phạm ngay từ đầu, không thể để tình trạng “phạt cho tồn tại”, “mất bò mới lo làm chuồng”.

Phải chấn chỉnh ngay việc buông lỏng quản lý trong quá trình xây dựng. Nếu phát hiện cấp chính quyền nào tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm phải xử lý nghiêm người đứng đầu. Có như vậy mới hy vọng không còn xảy ra những vụ hỏa hoạn thương tâm tại các tòa nhà cao tầng nói chung và CCMN nói riêng.

Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng

Chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và khó khăn, bất cập trong quá trình thi hành Luật PCCC và quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực CNCH, Dự thảo Báo cáo của Bộ Công an cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực PCCC và CNCH vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý... Ngoài ra, yêu cầu phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư chưa chặt chẽ, trong thời gian qua số vụ cháy gây thiệt hại về người tại nhà ở hộ gia đình luôn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; nguyên nhân là do các điều kiện về an toàn điện, ngăn cháy, thoát nạn chưa bảo đảm.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, Bộ Công an đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm quy định pháp luật về PCCC...; không để xảy ra tình trạng công trình đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở có tập trung đông người như quán bar, karaoke, nhà cao tầng...

Đặc biệt, về yêu cầu phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định nhà ở hộ gia đình phải có phương án thoát nạn khi xảy ra cháy. Các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ngoài các yêu cầu của nhà ở hộ gia đình phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực sinh hoạt và khu vực kinh doanh, có lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai. Bổ sung quy định phạm vi khu dân cư; sửa đổi, bổ sung yêu cầu phòng cháy khu dân cư cho phù hợp với thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân Bạc Liêu lao đao tìm thương lái mua lúa

Nông dân Bạc Liêu lao đao tìm thương lái mua lúa

(PLVN) - Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nông dân tại các địa phương xuống giống hơn 46.800 ha lúa trên đất tôm (lúa - tôm), hơn 34.500 ha lúa Thu Đông. Đồng thời, Bạc Liêu có hơn 32 nghìn ha lúa lấp vụ Hè Thu và gần 2 nghìn ha giống lúa cao sản… Tuy nhiên, ngày cận Tết, giá lúa giảm sâu khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên.

Đọc thêm

Đứt gân cơ khi chơi Pickleball

Bệnh nhân đứt gân cơ vai trái được kỹ thuật viên tập các bài tập làm mạnh các nhóm cơ vùng vai và cánh tay trái
(PLVN) - Một người đàn ông tỉnh Quảng Ninh bất ngờ bị đứt gân cơ trong quá trình chơi Pickleball và phải nhập viện điều trị.

Nghiên cứu ADN mở ra cơ hội mới trong điều trị ung thư

Nghiên cứu ADN mở ra cơ hội mới trong điều trị ung thư
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra rằng quá trình sửa chữa ADN có thể xác định cách các tế bào ung thư chết sau xạ trị, từ đó giúp cải thiện tỷ lệ điều trị và chữa khỏi ung thư.

Khánh thành cột cờ Tổ quốc tại quần đảo Nam Du

Khánh thành cột cờ Tổ quốc tại quần đảo Nam Du
(PLVN) - Ngày 14/1, UBND huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường đại học cùng lực lượng vũ trang tổ chức lễ thượng cờ và khánh thành cột cờ Tổ quốc quần đảo Nam Du, tọa lạc tại xã An Sơn, huyện đảo Kiên Hải.

Công an tỉnh Sihanouk thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 Công an tỉnh Kiên Giang

Toàn cảnh buổi thăm, tặng quà Tết
(PLVN) - Đoàn công tác Công an tỉnh Sihanouk (Vương quốc Campuchia), do Thiếu tướng Sô Bun Na Rith, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và chúc Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 Công an tỉnh Kiên Giang. Tiếp đón đoàn có Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cùng lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh.

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An xin nghỉ hưu trước tuổi

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An xin nghỉ hưu trước tuổi
(PLVN) - Việc ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, luôn đặt lợi ích tập thể lên đầu, tất cả vì sự nghiệp chung của đất nước.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn thăm, tặng quà tết tại huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn tặng quà cho bà Nguyễn Thị Xuyến ở thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên (huyện Thạch Thất). Ảnh: Hoàng Sơn
 - Sáng 14-1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đã đến thăm, tặng quà tết gia đình tiêu biểu, thương binh tại huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai; động viên và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Công an xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nhếch nhác Bãi Đá Ông Địa

Nhếch nhác Bãi Đá Ông Địa
(PLVN) -Bãi Đá Ông Địa, tọa lạc tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách và người dân địa phương.