Bắt giữ hàng loạt học sinh “xuất sắc”
Trong kỳ kiểm tra cuối năm học lớp 12 được tổ chức vào đầu năm 2016, Ruby Roy, nữ sinh của trường Cao đẳng Vishun Roy ở Vaishali, bang Bihar là thí sinh có điểm môn nghệ thuật cao nhất kỳ thi, với số điểm đạt được 444/500 điểm.
Tuy vậy, khi phải làm lại bài kiểm tra trong vòng 30 phút, nữ sinh này không trả lời đúng bất kỳ câu hỏi nào, khiến hội đồng buộc phải hủy bỏ kết quả thi trước đó. “Thí sinh thiếu những kiến thức cơ bản nhất. Vì vậy, hội đồng đã quyết định hủy bỏ kết quả thi vĩnh viễn”, Chủ tịch Hội đồng thi Bihar (BSEB) Anand Kishor nói.
Không chỉ Ruby Roy, còn rất nhiều “quán quân lởm” sử dụng mánh khóe gian lận. Sự việc khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng thí sinh hàng đầu cũng như về một đường dây gian lận thi cử.
Người đứng đầu đường dây là cựu Chủ tịch Hội đồng thi Bihar (BSEB) Lalkeshwar Singh, vợ ông này-Usha Singh và Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viashun Roy - Bachcha Rai.
Điều tra ban đầu cho thấy, Bachcha Rai đã trả 15 lakh rupee (khoảng 22.000 USD) cho bà Usha Sinha để con gái ông này là Shalini Rai và họ hàng xa của ông Bachcha Rai là Ruby Rai đứng top đầu kỳ thi. Số tiền này đã được giao dịch tại nơi ở của bà Usha Sinha tại Patna. Sau đó, bà Usha Sinha rỉ tai chồng giao việc chấm thi cho trường Cao đẳng Vishun Roy, nơi ông Bachcha Rai làm hiệu trưởng.
“Tại trung tâm chấm thi, một số bài kiểm tra viết và bảng chấm thi bị làm giả. Qua điều tra, bảng chấm điểm của Shalini không có bất kỳ con số nào trên đó. Tuy nhiên, bài kiểm tra viết của nữ sinh này lại được lưu ở Hội đồng thi BSEB. Điều này cho thấy, kết quả thi của thí sinh này là “tự chế”, sỹ quan cảnh sát cao cấp của Patna, ông Manu Maharaj cho biết.
Sau khi vụ việc vỡ lở, một nhóm thuộc Đội điều tra đặc biệt của Cảnh sát Bihar đã tạm giữ Ruby Roy. Ít nhất 14 học sinh đã phải kiểm tra lại trình độ và bị cảnh sát đưa vào diện điều tra. 20 đối tượng liên quan đã bị bắt.
Ngay sau khi từ chức Chủ tịch BSEB, ông Lalkeshwar Prasad Singhwas cùng vợ đã trốn biệt và 11 ngày sau mới bị bắt. Còn với Hiệu trưởng Bachcha Rai, thực hiện lệnh khám xét văn phòng làm việc và nhà của ông ta, cảnh sát đã tìm thấy một số chứng cứ của vụ gian lận. Ngoài việc phát hiện 20kg nữ trang, hiện cảnh sát cũng đang điều tra 12 tài khoản ngân hàng của Bachcha với những khoản giao dịch lớn.
Một thành viên của Đội điều tra đặc biệt, cảnh sát Bihar cho biết, Usha và chồng bà này cũng cấu kết với những người khác tạo một đường dây “chạy” giấy công nhận đối với các trường cao đẳng.
Cụ thể, BSEB có vai trò đánh giá cấp phép cho các trường cao đẳng ngoài công lập. Người ta cho rằng, vợ chồng Usha cùng các cộng sự đã thu “hoa hồng” của hầu hết 230 trường cao đẳng đã được công nhận hoạt động ở bang Bihar.
Ngoài ra, trường cao đẳng ngoài công lập nào nếu sinh viên có kết quả thi tốt, sẽ được nhà nước hỗ trợ. Tuy vậy, nhóm quyền lực nói trên đã nhận tiền của các trường cao đẳng, “thổi” điểm kiểm tra và khi tiền tài trợ chuyển về, họ sẽ tự động cắt hoa hồng”.
Cấm hơn 600 người hành nghề y
Vào năm 2017, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã phán quyết cấm 634 sinh viên y khoa của nước này đã tốt nghiệp được hành nghề y, hủy kết quả tốt nghiệp đại học, do có liên quan tới vụ bê bối hối lộ và gian lận thi cử vào các trường đại học y giai đoạn từ năm 2008 đến 2012.
Theo Tòa án Tối cao Ấn Độ, đây là vụ bê bối trong ngành Giáo dục lớn nhất thuộc bang Madhya Pradesh. Các sinh viên và gia đình đã bị phát hiện là đã hối lộ những quan chức quản lý Nhà nước của bang này để biết trước đề thi, nhờ người khác thi hộ hoặc hối lộ trực tiếp để được trúng tuyển vào các trường đại học y trong khoảng thời gian từ năm 2008-2012.
Vụ việc bắt đầu được phát hiện từ năm 2015 khi cảnh sát điều tra về cái chết bất thường của 1 phóng viên truyền hình địa phương trong khi thực hiện phóng sự điều tra làm rõ vụ việc trên.
Đã có hơn 2.000 người dính líu tới đường dây hối lộ trên đã bị bắt giữ kể từ khi vụ việc được phanh phui. Các sinh viên đã làm đơn kháng cáo, tuy nhiên đã bị tòa án bác bỏ.
Ảnh minh họa |
Thẩm phán Kurian Joseph khẳng định: “Những hành vi của những người kháng cáo là không chấp nhận được vì không chỉ có hành vi vi phạm pháp luật mà còn lừa dối cả dân tộc, không có chuẩn mực về đạo đức và không thể chấp nhận đơn kháng cáo thay cho những lợi ích xã hội mà họ cam kết sẽ thực hiện”.
“Thiệt mạng” bất thường sau gian lận
Năm 2015, vụ gian lận thi cử của Ủy ban khảo thí chuyên nghiệp bang Madhya Pradesh (MPPEB - theo tiếng Hindi gọi là Vyapam) liên quan đến tổ chức lớn nhất bang này về thi nghề, thi tuyển công chức, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo viên, kiểm toán, an ninh... Thủ đoạn của đường dây gian lận này là gài người thi hộ, tự sắp xếp chỗ ngồi trong phòng thi, chép bài tràn lan, tung ra đáp án sai hay thậm chí thông báo điểm số giả.
Những sai phạm của Ủy ban MPPEB được khơi ra từ năm 2009 trong một vụ kiện liên quan tới việc 300 sinh viên không đủ năng lực vẫn được chọn trong kỳ thi Pre-medical (PMT) – một chương trình mà người học cần đạt được trước khi trở thành sinh viên một trường y. Sự việc bị rơi vào quên lãng, mãi cho đến năm 2013, mới được “khai quật” lại.
Nhiều quan chức liên quan tới bê bối, trong đó có cựu Giám đốc Sở Giáo dục bang Madhya Pradesh ông Laxmikant Sharma, người giám sát các kỳ thi của Ủy ban MPPEB, ông Pankai Trivedi, các nhà phân tích hệ thống thuộc Ủy ban này là Nitin Mahendra và Ajay Sen và người phụ trách kỳ thi PMT C.K Mishra.
Lực lượng đặc biệt (STF) của cảnh sát bang này dưới sự giám sát của tòa án tối cao bang tiến hành điều tra vụ việc. Đến tháng 3/2015, STF đã bắt 1.800 đối tượng liên quan đến 55 trường hợp vi phạm thi cử, đây là 20% trên tổng số người dính líu tới bê bối.
Không chỉ vậy, 42 người liên quan đều lần lượt tử vong một cách khó lý giải. Điển hình như vào tháng 1/2015, ông Ramendra Singh Bhadori, người liên quan tới bê bối gian lận thi cử Vyapam, treo cổ tại nhà riêng ở Gwalior. Gia đình cho rằng ông bị tra tấn tinh thần bởi một số người yêu cầu ông im lặng, không được phép tiết lộ thông tin liên quan tới vụ bê bối.
Shailesh Yadav, là bị cáo và là con trai của Thống đốc bang Madhya Pradesh, ông Ram Naresh Yadav, được phát hiện chết tại nhà của ông Ram Naresh tháng 3/2015.
Tháng 4/2015, dược sĩ Vijay Singh, cũng là một bị cáo đã chết tại một nhà nghỉ ở huyện Chhattisgarh. Anh trai nạn nhân cho rằng em trai mình chết bất thường. Được biết, Singh bị cảnh sát để mắt sau khi bị bắt do liên quan tới bê bối của Ủy ban MPPEB. Tiếp đó vào tháng 6/2014, Tiến sĩ DK Sakalley - Hiệu trưởng trường Y Netaji Subhashchandra Bose bị phát hiện chết cháy, sau khi một số sinh viên trường này được xác định liên quan tới bê bối Vyapam….
Thủ hiến bang và Thống đốc bang Madhya Pradesh là ông Shivraj Chouhan và Ram Naresh Yadav cũng là nghi phạm trong bê bối Vyapam. Họ đang đứng trước áp lực bởi nhiều nhân chứng và bị cáo liên quan tử vong ở địa phương họ quản lý.
Không chỉ ở Việt Nam, vấn nạn gian lận trong thi cử còn làm đau đầu giới chức nhiều nước khác trên thế giới, ở một số nơi, người ta thậm chí đã buộc phải cắt Internet trên quy mô rộng để tránh "tuồn" đề thi ra ngoài.
Cảnh sát Trung Quốc thậm chí đã sốc khi phát hiện rất nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang tinh vi, như cục tẩy, ví tiền, khăn quàng... với màn hình hiển thị nhỏ ẩn giấu bên trong, hay tai nghe không dây chỉ bằng hạt đậu dùng để phát sóng từ xa các câu trả lời. Theo lời khai, nhóm tội phạm thu lợi từ 2000 USD đến 9000 USD cho mỗi lần gian lận trót lọt.
Trung Quốc thậm chí đã phải sử dụng đến các biện pháp như như máy bay không người lái phá sóng, máy dò kim loại, máy quét vân tay và máy quét nhãn cầu để tránh gian lận thi cử công nghệ cao.