Cả gia sản đi tong vì vườn chuối bị triệt hạ
Sự việc vườn chuối của gia đình ông Phạm Văn Quân (trú tại thôn Thái Lai, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên) bị “tàn sát” xảy ra ngày 15/5/2017 không chỉ gây choáng váng cho gia đình khổ chủ mà còn gây bất bình trong dư luận. Hàng chục đối tượng đang dùng kiếm, dao để đốn hạ cả vườn chuối rộng hơn 2 hecta của gia đình ông Quân. Mặc dù ông Quân hét lên kêu cứu, ngăn cản nhưng đã bị một số đối tượng dùng dao kiếm khống chế. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, cả vườn chuối với hơn 2.200 cây chuối, trong đó có hơn 800 cây có buồng chuẩn bị thu hoạch đã bị các đối tượng hủy hoại.
Những đối tượng lạ mặt dùng dao tàn phá vườn chuối đã bị người dân giữ và bàn giao cho lực lượng công an chờ giải quyết. Công an huyện Thủy Nguyên đã đưa các đối tượng liên quan về trụ sở làm việc. Theo kết quả điều tra ban đầu, Công an TP Hải Phòng chỉ ra người chỉ đạo vụ chặt phá vườn chuối của hộ ông Quân là ông Đỗ Văn Chí (trú xã Tam Hưng), Giám đốc Công ty TNHH Chí Linh (có trụ sở tại xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên).
Lý giải về việc thuê người triệt hạ vườn chuối của gia đình ông Quân, ông Đỗ Văn Chí cho biết, diện tích đất mà ông Quân trồng chuối thuộc về Công ty TNHH Chí Linh do ông Chí làm chủ. Từ năm 2008, ông Chí thành lập Công ty cổ phần Cao Hưng Thịnh chuyên sửa chữa, đóng tàu sông biển, với sự góp vốn của ông Nguyễn Văn Bính, Nguyễn Đình Kỷ, Hoàng Thị Nhung, Trần Thị Chuốt và Phạm Văn Quân. Các thành viên thống nhất giao cho bà Nhung, ông Bính, ông Quân làm thủ tục thuê đất với UBND huyện Thủy Nguyên. Hiện nay, Công ty Cao Hưng Thịnh đổi tên thành Công ty Chí Linh do ông Chí làm giám đốc. Thửa đất có vườn chuối của ông Quân đã thuộc về Công ty Chí Linh.
Đến tháng 6/2016, Công ty Chí Linh có dự án thành lập 2 xưởng sản xuất gạch nên ông Chí yêu cầu ông Quân không trồng chuối thuộc phần đất của Công ty và nhiều lần gửi thông báo về việc trả lại mặt bằng nhưng ông Quân không thực hiện. Do vậy, ngày 01/4/2017, ông Chí ủy quyền Đỗ Hữu Mạnh (SN 1973, xã Kênh Giang, Thủy Nguyên) là nhân viên Công ty TNHH Chí Linh thuê người dọn dẹp mặt bằng để phục vụ khởi công xưởng sản xuất gạch.
Vụ chặt phá này để lại hậu quả là thiệt hại rất lớn về tài sản đối với gia đình ông Phạm Văn Quân. Theo thống kê của gia đình ông Quân, trên diện tích gần 1,4 hecta có 2.256 cây chuối các loại, 12 cây nhãn con, 2 cây cau con. Vườn chuối đã hoàn toàn bị xoá xổ, với thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng đồng.
Về sự việc này, Công an xã Cao Nhân đã phối hợp với Công an huyện đưa 11 người về UBND xã giải quyết và thu giữ 11 con dao các đối tượng dùng để chặt cây. Sau khi làm việc lý lịch các đối tượng, Công an xã, huyện đã bàn giao số người này cho chính quyền địa phương và gia đình quản lý.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về sự việc, Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng phòng Tham mưu, Người phát ngôn Công an TP Hải Phòng cho biết: Hiện Công huyện Thủy Nguyên đang tiếp tục giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, xác minh nguồn gốc đất, các thủ tục liên quan về góp vốn, tranh chấp quyền sử dụng đất để làm rõ vụ việc.
Vụ việc huỷ hoại tài sản nghiêm trọng
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Quân cùng gia đình chưa hết bàng hoàng và đau xót trước vụ việc đã xảy ra. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, toàn bộ vườn chuối mà gia đình ông dày công chăm sóc đã biến thành một đống đổ nát, hoang tàn. Hàng trăm buồng chuối trĩu quả đang chờ ngày thu hoạch bị phá nát, cây bị chém ngang thân, có cây bị chặt tận gốc. Theo ông Quân, mảnh đất trồng chuối nói trên được gia đình ông khai hoang gần 30 năm nay và ước tính toàn bộ tài sản thiệt hại lên tới trên 500 triệu đồng và đó là cả gia tài của gia đình ông.
Vườn chuối tan hoang sau vụ "giải phóng mặt bằng" của Công ty Chí Linh |
Biện minh cho việc làm của mình, ông Đỗ Văn Chí, Giám đốc Công ty Chí Linh cho rằng diện tích đất trên là diện tích của doanh nghiệp. Nhiều lần Công ty Chí Linh đã gửi thông báo yêu cầu các cá nhân trồng hoa màu trên đất của công ty phải di chuyển để thực hiện dự án nhưng họ không nghe. Việc công ty “giải phóng mặt bằng” bằng việc triệt hạ cả vườn chuối là… đúng luật.
Về sự việc này, Luật sư Ngô Trung Kiên, Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang khẳng định, việc tranh chấp quyền sử dụng đất phải được giải quyết thông qua hoà giải tại địa phương hoặc do toà án giải quyết. Không thể lấy cớ tranh chấp nhưng tranh chấp để bất huỷ hoại tài sản của người khác. Do đó, hành vi chặt phá hàng ngàn cây chuối của nhóm đối tượng do ông Đỗ Văn Chí chỉ đạo có dấu hiệu của tôi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", quy định tại Điều 143 Bộ Luật hình sự và cái cớ giải phóng mặt bằng được nêu ra là không thể chấp nhận được.
Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, sự việc này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vụ việc “đổ dầu bẩn vào phản thịt” xảy ra trước đó ít ngày mà Công an quận Ngô Quyền đã khởi tố, không chỉ vì giá trị tài sản lớn mà hành vi huỷ hoại tài sản còn có tổ chức, công khai và rất hung hãn của những người tham gia sự việc này. Sự việc này còn cho thấy, tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn có dấu hiệu gia tăng.
Về việc sử dụng diện tích đất trồng chuối, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lại Đức Long, Trưởng phòng TNMT huyện Thủy Nguyên cho biết, trước đây, diện tích đất trên được thuê để sửa chữa, đóng tàu nhưng suốt từ 2010 đến nay không đưa đất vào sử dụng. UBND huyện Thủy Nguyên đang tiến hành rà soát, thông báo đến các đối tượng không đưa diện tích đất đã thuê vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm pháp luật đất đai thì sẽ thu hồi đất. Ông Long khẳng định, trong hồ sơ sử dụng đất của đơn vị này, chưa có văn bản nào thể hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ngoài mục đích ban đầu là sửa chữa, đóng tàu sông biển.
Chỉ trong thời gian ngắn, tại Hải Phòng xảy ra hai vụ việc liên quan đến cách hành xử có tính chất côn đồ của tiểu thương và doanh nghiệp. Dù xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay do coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật thì những vụ việc này cũng cần được xử lý nghiêm minh để răn đe đối với những người muốn dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp. Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về sự việc.