Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh: “Với phương châm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường...
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật. Trong đó phải kể đến tình trạng pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước, kìm hãm sự phát triển, chậm được phát hiện, khắc phục kịp thời”.
Với khối lượng lớn, có tính chất phức tạp của các văn bản quy định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành như hiện nay, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) cần tham vấn các chuyên gia trong nước có trình độ chuyên môn cao.
Trên cơ sở dự thảo Báo cáo, kết quả nghiên cứu của chuyên gia trong nước, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp tới việc xây dựng, áp dụng các văn bản QPPL.
Nhóm nghiên cứu đã tập hợp 154 văn bản QPPL quy định các vấn đề về kiểm tra chuyên ngành còn hiệu lực gồm 20 Luật, 46 Nghị định, 05 quyết định của Thủ tướng, 83 Thông tư, Thông tư liên tịch. Qua rà soát, có 10 nhóm vấn đề cơ bản đã được nhóm chuyên gia chỉ ra liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong kinh doanh cần phải kiến nghị xử lý.
Qua đánh giá chung, văn bản QPPL quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý, điều chỉnh rộng, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng chưa xác định được mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra; kiểm tra chuyên ngành do nhiều Bộ quy định, thực hiện dẫn đến Hải quan và doanh nghiệp thực sự lúng túng khi áp dụng thực tiễn.
Một số các quy định còn gây khó khăn, chậm chễ cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Quy định về trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất, chưa có quy định phù hợp, có quy định quá mức cần thiết, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn các lĩnh vực chuyên ngành dẫn đến việc triển khai còn chưa thống nhất.
Sau khi tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý tại hội thảo, nhóm chuyên gia kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản QPPL để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, việc rà soát và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành và tập trung trọng điểm những mặt hàng cần kiểm tra tại cửa khẩu, cần kiểm tra trước và sau thông quan cũng vô cùng quan trọng.
Nhóm chuyên gia cũng kiến nghị công bố công khai thông tin về cơ quan kiểm tra chuyên ngành, phạm vi, trình tự, thời gian, cách thức thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành gắn với trách nhiệm của cơ quan kiểm tra; điều kiện, tiêu chí được miễn kiểm tra, danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được thừa nhận… đảm bảo minh bạch và thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, và hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.