Tiền thuê đất vẫn “nóng”
Theo đề nghị của UBND TP.Hải Phòng, các tổ chức hội nghề nghiệp, các hiệp hội DN cần tập trung gửi kiến nghị khó khăn của DN về Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), UBND TP.Hải Phòng trước ngày 10/4, để UBND TP kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ KH&ĐT, phục vụ cuộc đối thoại thường niên giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN năm 2014.
Mặc dù chỉ là cuộc họp tập hợp các kiến nghị của DN nhưng những vấn đề về tiền thuê đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã “nóng” bất thường. Bà Hoàng Thị Vĩnh – Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Hoàng (trụ sở tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Hải Phòng cần xem lại cách tính tiền thuê đất đối với diện tích của DN.
Theo bà Vĩnh, những năm trước, DN sử dụng hơn 16.000m2 đất thuộc tuyến ba, có giá thuê đất thấp, nhưng năm 2014 ngành TN&MT lại tính diện tích này theo giá thuê đất tuyến hai, có giá trị cao hơn rất nhiều.
Ông Phạm Thanh Minh – Giám đốc Cty CP Giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng cho hay: Năm 2013, DN chỉ phải nộp tiền sử dụng đất cho diện tích hơn 121.601m2 đất tại Tổng kho 3 Lạc Viên (quận Ngô Quyền) với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2014, Cục Thuế TP.Hải Phòng lại ra thông báo yêu cầu DN phải nộp tiền thuê đất cho thời hạn 5 năm, với số tiền tăng lên gấp 8,4 lần so với năm 2013, cụ thể là 12,5 tỷ đồng. Số tiền thuê đất như vậy còn lớn hơn cả tổng doanh thu năm 2013 của DN ông Minh.
Hiệp hội Làng nghề Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên) lại trình bày: Từ tháng 6/2013, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành của Hải Phòng phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại Dự án xây dựng làng nghề Mỹ Đồng, để UBND TP thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN tại làng nghề.
UBND huyện và TP cũng đã hơn một lần có công văn hối thúc các ngành chức năng của Hải Phòng triển khai các công việc được giao. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Sở Tài chính cử cán bộ xuống làng nghề kiểm tra thực địa, nhằm xác định nghĩa vụ tài chính trong việc nộp tiền sử dụng đất; các ngành quy hoạch, TN&MT vẫn chưa có hoạt động cụ thể xúc tiến các thủ tục cho DN làm thủ tục thuê đất trên diện tích DN đã thực tế sử dụng hơn 10 năm nay.
Cty TNHH Lam Sơn kiến nghị, Dự án xây dựng Nhà máy phân bón giai đoạn 1, công suất 9.000 tấn/năm được UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo các Sở: TN&MT, KH&ĐT phối hợp cùng DN đề xuất phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc về quy hoạch xong trong năm 2013. Đến nay, DN đã làm xong chứng chỉ quy hoạch nhưng vẫn đợi UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết, DN chưa thể triển khai dự án.
Đề nghị được giảm thuế, phí
Cty CP Phát triển du lịch Hải Phòng cho biết, từ năm 2013 UBND TP.Hải Phòng đã có chỉ đạo các ngành Thuế, TN&MT xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và tiền thuế đất cho DN. Tuy nhiên, ý kiến chỉ đạo của UBND TP vẫn chưa được các ngành của Hải Phòng triển khai.
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hải An phản ánh: Trên địa bàn quận Hải An có đầy đủ các DN hoạt động trong lĩnh vực cảng biển và kho bãi hậu cần cảng, logistic, vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, hoạt động cảng biển thiếu chế tài đủ mạnh, các DN khai thác cảng biển, hậu cần cảng trên địa bàn thi nhau giảm giá dịch vụ bốc xếp hàng hóa, cho thuê kho bãi dẫn đến phát triển không bền vững.
Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực logistic, vận tải đa phương thức cũng gặp không ít khó khăn từ cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Dũng, các DN này sử dụng nhiều xe ô tô, sơ mi–rơ móc, những loại phương tiện theo quy định của pháp luật phải có thiết bị giám sát hành trình, nộp phí đường bộ.
Tại các quốc gia phát triển, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải là quyền, trách nhiệm của chủ phương tiện để chủ phương tiện giám sát phương tiện của mình. Tại Việt Nam, thiết bị hành trình lại để cho cơ quan quản lý nhà nước thay mặt chủ phương tiện giám sát lái xe như thế là lãng phí, không cần thiết.
Việc thu phí đường bộ sơ mi–rơ móc cũng như phí đường bộ các phương tiện chuyên chở hàng hóa được thu phí một lần trong một năm nhưng không tính đến các ngày phương tiện phải tham gia sửa chữa định kỳ hàng năm cũng khiến chủ DN bị thiệt thòi không nhỏ.
Vẫn theo ông Dũng, trên quốc lộ 5, huyết mạch giao thông giữa Cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội còn tồn tại hai trạm thu phí. Ngoài ra, tại các tuyến giao thông đối ngoại của Hải Phòng còn có các trạm thu phí đã được Nhà nước nhượng quyền thu phí. Việc tồn tại các trạm thu phí này là tình trạng “phí chồng lên phí”, vi phạm quy định về Pháp lệnh thu phí và lệ phí, bởi lẽ từ năm 2012, các phương tiện đã thực hiện nộp phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện được quy định tại Nghị định 12/2012 của Chính phủ và Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính.
Ông Phạm Hữu Thư - Chánh Văn phòng UBND TP.Hải Phòng cho biết, TP.Hải Phòng không chỉ tập hợp những kiến nghị của DN để báo cáo Bộ KH&ĐT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở những kiến nghị của DN, UBND TP sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc của DN. Ông Thư nhấn mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN là nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo TP.Hải Phòng nhằm phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng./.