Nhằm ngăn ngừa các sai phạm trong quản lý đất đai, đưa ra các giải pháp để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành TP công nghiệp trước năm 2020, UBND TP Hải Phòng vừa trình HĐND TP Đề án nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn.
Một góc khu công nghiệp Nomuara. |
Chỉ số năng lực cạnh tranh thấp
Theo báo cáo của Sở TN & MT TP Hải Phòng, đến nay, cơ cấu sử dụng đất trên địa bàn được xác định có tới 42, 58% tổng số diện tích tự nhiên, tương đương 54,863,54 ha đất của Hải Phòng là đất phi nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất dùng cho sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phát triển đô thị trong những năm vừa qua, Hải Phòng đã thực hiện kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 798 Dự án với tổng diện tích 5.725 ha đất được thu hồi. Hàng loạt các Khu công nghiệp như Khu CN Nomuara, Khu CN Đình Vũ, Khu CN Đồ Sơn… được hình thành, tạo việc làm hoặc hỗ trợ việc làm mới cho 51.988 người lao động.
Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị, đất sản xuất đã góp phần làm cho diện mạo đô thị của Hải Phòng ngày một khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân. Những khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã và đang hình thành không chỉ làm tăng nguồn thu ngân sách, thu hút một lực lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn, còn góp phần ổn định cuộc sống cho người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng- trong thời gian vừa qua, công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Hải Phòng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, xã chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các ngành; Một số xã, huyện vẫn để xảy ra tình trạng cho thuê đất không đúng luật, nhiều công trình sử dụng đất không đúng với quyết định giao, cho thuê đất.
Những sai phạm phổ biến của người sử dụng đất là sử dụng đất không đúng vị trí, sử dụng sai mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, thậm chí có DN còn bỏ hoang hóa, không sử dụng đất, chậm nộp tiền sử dụng đất. Tình trạng DN, người dân lấn chiếm đất công, đất hành lang bảo vệ an toàn các công trình quốc phòng, giao thông, đê điều còn diễn biến phức tạp; tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp dẫn đến khiếu nại, tố cáo về đất đai còn kéo dài, phức tạp. Những hạn chế trong quản lý về đất đai là một trong những nguyên nhân nhiều năm Hải Phòng bị xếp hạng là địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh thấp.
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
Tại kỳ họp thứ 4, HDND TP Hải Phóng nhiệm kỳ 2011 -2016, UBND TP Hải Phòng đã trình Đề án tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất trên địa bàn giai đoạn 2012- 2020, nhằm đánh giá đúng tình trạng quản lý, sử dụng các loại đất trên địa bàn, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp cho công tác quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả.
Theo đánh giá của Đề án, Hải Phòng hiện còn 3.720,36 ha đất chưa sử dụng, trong đó chỉ riêng huyện đảo Cát Hải có hơn 1.062 ha; huyện Thuỷ Nguyên 620 ha; huyện Tiên Lãng 465 ha, quận Đồ Sơn 345 ha…diện tích đất này chủ yếu là đất mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất đồi núi. Trong những năm tới, Hải Phòng phấn đấu đưa hết diện tích đất này vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Thực hiện Đề án, khâu quan trọng trong việc giao cho thuê đất của Hải Phòng là công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí khi thực hiện các giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Quy định về quy trình thỏa thuận giữ người sử dụng đất, nhà đầu tư trong trường hợp không phải ra quyết định thu hồi đất; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất một cách hợp lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Trong thời gian tới, Hải Phòng không giao, cho thuê đất sản xuất ngoài các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề.
Ông Đỗ Trung Thoại nhấn mạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai không chỉ ở việc kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, thay đổi chính sách tài chính về đất đai, Hải Phòng cần tăng cường pháp chế trong quản lý và sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng; xử lý kịp thời những nhưng trường hợp vi phạm, những vụ tham nhũng về đất đai, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện.
Để Đề án trở thành lực đẩy trong việc quản lý, đất đai, là nguồn lực thu hút đầu tư, Hải Phòng đã yêu cầu tất cả các ngành, các cấp cùng đóng góp ý kiến vào Đề án để Hải Phòng sớm công bố quy hoach sử dụng đất thời kỳ 2011-2015, lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020.
Linh Nhâm