Theo Tổng giám đốc PV GAS, ý thức rõ về trách nhiệm cấp khí cho phát điện, thời gian qua, PV GAS luôn nỗ lực cung cấp khí tối đa trong khả năng cho phép. Từ thời điểm hệ thống khí Nam Côn Sơn đi vào hoạt động, đưa khí về bờ (năm 2003) đến nay, nhu cầu khí cho phát điện thường xuyên ở mức cao, nên tổng lượng huy động khí đã cao hơn mức bao tiêu cam kết khoảng 15,9 tỷ m3 (tính đến 31/12/2019). Nếu tiếp tục huy động khí ở mức cao như các năm trước đây, PV GAS dự báo sẽ thiếu khí cấp cho Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 từ giữa năm 2022.
Lãnh đạo PV GAS cho biết, các nguồn khí từ lô 06.1, 11.2 thuộc bể Nam Côn Sơn đang tiếp tục suy giảm. Mặc dù trong năm 2021 - 2022, Việt Nam có thể được bổ sung sản lượng từ các nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt), nhưng giá khí sẽ cao hơn các nguồn khí hiện nay, gây tác động tới việc SXKD của các nhà máy điện.
Trước tình trạng này, PV GAS đề xuất 2 phương án cấp khí. Phương án 1, trong năm 2020, PV GAS sẽ chỉ cấp lượng khí theo hợp đồng và để dành nguồn khí 06.1, 11.2 ở lại mỏ để cấp trong các năm tiếp theo. Phương án 2, năm 2020, PV GAS sẽ nỗ lực cấp khí với sản lượng cao hơn hợp đồng đã ký, đáp ứng yêu cầu phát điện với điều kiện EVN và các Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 thống nhất giải pháp cấp bổ sung nguồn khí mới cho các Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 và chuyển ngang giá khí của các nguồn khí mới sang giá điện cho giai đoạn thiếu khí sau này.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đề nghị PV GAS nỗ lực thực hiện các giải pháp để cấp tối đa lượng khí cho phát điện ngay trong năm 2020. EVN cũng đề nghị PV GAS, các nhà máy điện BOT cùng phối hợp với EVN để thống nhất lựa chọn các phương án cấp khí, lượng khí, giá khí cho phát điện trong các năm tới; sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cảnh báo nguy cơ thiếu khí cho sản xuất điện. Theo đó, dự báo sau 2019, thị trường nhiên liệu khí sẽ rất căng thẳng do sản lượng khai thác khí của Việt Nam giảm mạnh.