Các chính sách chưa đồng bộ
Như báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, nhu cầu khoáng sản, đặc biệt là vật liệu san lấp ở Hải Dương trong thời gian tới là rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ngoài việc sớm đưa các mỏ vào đấu giá thì những mỏ đấu giá thành rồi cũng phải sớm được đi vào khai thác.
Đại diện đơn vị vừa trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ đất diện tích 7,6ha với giá hơn 2,9 tỷ đồng, nhưng ông Bùi Thanh An- Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Phượng Hoàng cũng còn một số băn khoăn: "Khi trúng đấu giá doanh nghiệp chỉ nhận được quyết định công nhận kết quả đấu giá. Sau đó công ty phải tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng thì mới được giao đất cho thuê đất. Việc giải phóng mặt bằng giao toàn bộ cho công ty mà không có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng sẽ mất rất nhiều thời gian, giá thành có thể bị đội lên cao. Chưa kể trong trường hợp không giải phóng được mặt bằng có hủy kết quả đấu giá và trả cọc cho doanh nghiệp hay không?”.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Phượng Hoàng cho biết thêm, đến khi được cấp phép khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải "qua" rất nhiều thủ tục như môi trường, đất đai, thủ tục về nước, về đầu tư về xây dựng… liên quan đến nhiều sở ban ngành. "Nếu các cơ quan phối hợp không đồng bộ hoặc có vướng mắc phát sinh thì có thể kéo dài 2-3 năm hoặc lâu hơn nữa. Mà chậm ngày nào doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại ngày đó”, ông Bùi Thanh An giãi bày.
Đó là với những mỏ đã được đánh giá trữ lượng, còn với những mỏ chưa được đánh giá trữ lượng thì doanh nghiệp còn nhiều trăn trở hơn nữa.
Công ty cổ phần Bình Minh HD 68, doanh nghiệp trúng mỏ, mỏ đất, đá đồi Trại Mét và đồi Trại Quan (TP Chí Linh) diện tích hơn 24ha, với R=9.9%. Ông Trần Tuấn Dương, Giám đốc công ty phản ánh: "Mỏ đã được nhà nước phê duyệt trữ lượng thì đã rõ ràng. Trong khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ chưa đánh giá được trữ lượng, doanh nghiệp như chúng tôi phải chịu rất nhiều rủi ro. Ở đây, chưa có tài sản cụ thể, trữ lượng cụ thể. Sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp tự phải bỏ chi phí ra để thăm dò. Nếu kết quả trữ lượng cao hơn so với trữ lượng ước tính ban đầu thì doanh nghiệp phải trả thêm tiền, nhưng nếu thấp hơn thì chúng tôi lại phải trả như trữ lượng ước tính. Chưa kể có thể xảy ra trường hợp loại khoáng sản, trữ lượng không đủ dự án thì chi phí thăm dò, làm thủ tục doanh nghiệp sẽ mất trắng?".
Theo ông Dương “Mặc dù chính sách đấu giá khoáng sản là xu thế tất yếu. Song với chính sách chưa đồng bộ như hiện nay thì các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang phải chịu rủi ro rất lớn”.
Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng còn nhiều bất cập. Giám đốc công ty cổ phần Bình Minh HD 68 chia sẻ thêm: "Do cách tính thang điểm ưu tiên đơn vị có kinh nghiệm nên một số công ty đấu giá của tỉnh Hải Dương không đủ điều kiện để tổ chức. Khi chúng tôi tham gia đấu giá hồi tháng 4, đơn vị tổ chức đấu giá của tỉnh khác nên việc mua hồ sơ, niêm yết, hay địa điểm đấu giá phải tổ chức sở TNMT tỉnh cũng có nhiều bất tiện".
Ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc công ty đấu giá hợp danh số 1 Thắng Lợi (trụ ở TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) có ý kiến tương tự: Với cách cách tính thang điểm như hiện nay, một số công ty lâu năm như công ty của ông lại chưa có kinh nghiệm đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên hầu như không có cơ hội tham gia vào hoạt động này.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Về tình hình đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Trác Trung, Phó Giám sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương thông tin, hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được ghi nhận trên thực tế. Hiện nay các địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Dần dần sẽ tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, kém hiệu quả.
Tỉnh Hải Dương đã đấu giá thành công 5 mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp đang tích cực hoàn thành các thủ tục để tiến tới được cấp phép khai thác. Năm 2024, sở TN&MT sẽ tham mưu cho tỉnh tổ chức đấu giá khoảng 5 mỏ tiếp theo. Trước mắt, đầu năm, sẽ đấu giá 1 mỏ có trữ lượng khoảng 5 triệu khối. Năm tới dự kiến địa phương có thể cung cấp được khoảng 30 triệu tấn vật liệu san lấp, cơ bản phục vụ nhu cầu trên địa bàn.
Đối với những vướng mắc mà các doanh nghiệp trăn trở, lãnh đạo sở TN&MT tỉnh Hải Dương phân tích: Mặc dù luật Khoáng sản đã có từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn là một chính sách mới, khi các địa phương triển khai không tránh khỏi còn tồn tại, bất cập, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai hiệu quả dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Đồng thời về phần mình, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đã trúng đấu giá sớm hoàn thiện thủ tục để được cấp phép khai thác. Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cũng sẽ sớm hoàn thành thủ tục đóng cửa với những mỏ còn lại để đánh giá trữ lượng và sớm đưa vào kế hoạch đấu giá của tỉnh.