Trận hải chiến qua hồi ức của chiến sĩ Gạc Ma
Đáp chuyến tàu sớm vào Khánh Hòa, cựu binh Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh), người lính năm nào trực tiếp tham gia trận hải chiến thăm lại chiến trường xưa với những tâm tư khôn nguôi về những đồng đội mãi mãi nằm lại dưới lòng biển Đông. Gần 30 năm, ông mới có dịp trở lại đơn vị cũ. Những ký ức dội về như chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Trong hồi ức của ông Thảo, sẩm tối ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 đến vùng biển đảo chìm Gạc Ma khi sóng yên biển lặng. Khoảng 30 phút sau, một tàu khu trục lớn của hải quân Trung Quốc đột nhiên xuất hiện. Tàu này chỉ cách tàu HQ 604 gần 100m, tàu Trung Quốc dùng loa phóng thanh tuyên bố đây là vùng lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu tàu HQ 604 phải rời đi.
Ngay lập tức, tàu HQ 604 cũng dùng loa phóng thanh đáp trả: “Đây là vùng biển, đảo của Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu tàu hải quân Trung Quốc rời khỏi khu vực”… Cứ thế, sau khoảng gần 30 phút “đấu loa”, cuối cùng tàu khu trục của hải quân Trung Quốc cũng phải rời đi.
Sau bữa ăn tối nhanh với khẩu phần gồm cơm, rau cải khô xào thịt hộp, những người lính trẻ trò chuyện cùng nhau và sinh hoạt tại tàu. Đến khoảng 5h sáng 14/3/1988, bộ phận công binh dùng xuồng chở nguyên vật liệu lên đảo Gạc Ma để xây dựng công trình.
Người chiến sĩ trẻ Lê Hữu Thảo nhận lệnh cùng tổ chiến đấu gồm 5 người, trong đó có Trung úy Nguyễn Mậu Phong (Trung đội trưởng), Thiếu úy Trần Văn Phương (Trung đội phó), chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc, nhanh chóng rời tàu lên đảo chìm Gạc Ma làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ lực lượng công binh trên chiếc xuồng nhỏ.
Đến 7h cùng ngày, khi lực lượng công binh của ta đang xây dựng cột cờ ở giữa đảo thì bỗng xuất hiện một tốp tàu chiến gồm 4 chiếc của Hải quân Trung Quốc, dàn trận theo đội hình chiến đấu đã xâm chiếm đảo Gạc Ma.
Tổ công tác của cựu binh Lê Hữu Thảo gồm 5 người đã có 3 người anh dũng hy sinh. Trở lại chiến trường xưa lần này, cựu binh Lê Hữu Thảo vinh dự được tham gia đặt những viên đá đầu tiên xây dựng tượng đài Gạc Ma, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến năm xưa.
Mái tóc điểm bạc rung lên trong niềm xúc động: "Tôi may mắn được trở về gia đình nhưng 29 năm qua, 64 đồng đội của tôi mãi mãi nằm dưới biển sâu. Nhớ về họ, tôi không thể nào quên được những ánh mắt, nụ cười dù mỗi người một quê nhưng cùng chung đất mẹ Việt Nam. Tôi mong một ngày không xa sẽ được trở lại vùng biển, đảo Gạc Ma thả một vòng hoa, thắp nén nhang tâm sự với đồng đội của mình”.
Tấm bia ghi tên các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma |
Khu tưởng niệm trong lòng dân tộc
Một ngày tháng 3/2015, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Viên đá đưa về từ Trường Sa thấm máu và nước mắt những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã và đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đưa vào nghiệm thu. Đây sẽ là biểu tượng cho lòng tri ân, tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi có mặt trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để chứng kiến những giọt nước mắt lại rơi một lần nữa. Những nếp nhăn không giấu được nước mắt chảy dài trên gương mặt của những người mẹ, người vợ, các thế hệ khi nhớ về cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ hải quân trên các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của lữ đoàn 125 phối hợp với lữ đoàn 146 và công binh E83 tại nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa cuối tháng 3, đầu tháng 4/1988.
Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma xây dựng trên khu đất rộng 2,5 ha. Trung tâm khu tưởng niệm là bảo tàng được xây dựng theo hình tròn với ý tưởng của “Vòng tròn bất tử”. Ý tưởng lấy cảm xúc từ hình ảnh của những người lính nắm chặt tay nhau thành vòng tròn đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thiết kế đã được duyệt, không gian kiến trúc Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được bố cục gồm 2 phần chính. Đến nay, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là “trái tim” của công trình đã hoàn thành.
Cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính thời bình, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của tổ quốc giữa Biển Đông.
Bảo tàng ngầm đã và đang được gấp rút thi công phần chi tiết, đồng thời tiếp nhận, bảo quản các hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía biển cũng đã hình thành cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.
Ông Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) chia sẻ: "Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là sản phẩm kết tinh nguyện vọng thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến 14/3/1988, của các đoàn viên công đoàn, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân Việt Nam yêu nước.
Việc xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nhằm thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông. Khu tưởng niệm như một mộ phần chung giúp phần nào an ủi thân nhân các chiến sĩ Gạc Ma". Những ngày tháng 3 và kí ức về trận hải chiến năm 1988, trong lòng mỗi người con đất Việt, các anh hùng liệt sĩ chính là tượng đài vững bền mãi mãi.
Những đôi bàn tay nâng niu, rồi tiễn đưa các anh hùng liệt sĩ lên đường của các mẹ, của những người vợ bịn rịn trước ngày chồng đi Trường Sa làm nhiệm vụ vừa khóc vừa đặt tay lên viên đá đầu tiên ấy...
Giờ đây, các mẹ, các chị đã có thể thắp nén hương cho chồng, con mình dù vẫn biết rằng, trong sâu thẳm những người còn sống, Trường Sa luôn là hai chữ thiêng liêng...
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.
Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó.