Các tiểu thương phấn khởi buôn bán trở lại
Sáng nay, 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trực tiếp đối thoại với bà con tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh. Trên tinh thần vì quyền lợi của tiểu thương, Chủ tịch tỉnh đã đưa ra nhiều phương án hợp lý, tạo được sự đồng thuận của các tiểu thương.
Tại cuộc đối thoại với hàng trăm bà con tiểu thương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết. Sau 15 năm hoạt động, bộ máy quản lý chợ hiện nay quá cồng kềnh, quy hoạch ban đầu bị phá vỡ, các ki ốt chen chúc nhau, nếu không tính toán sẽ mất an toàn về cháy nổ, môi trường."Vì vậy, thay đổi mô hình quản lý là rất cần thiết" - Chủ tịch tỉnh khẳng định.
Cũng tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho bà con tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn, cho đến khi có phương án chuyển đổi mô hình quản lý; không thu thêm kinh phí trong thời gian này; phương án chuyển đổi phải được người dân bàn thảo, trao đổi, lấy ý kiến khi có đồng thuận mới triển khai; sau khi chuyển đổi mô hình quản lý sẽ tiếp tục ký hợp đồng lâu dài với bà con.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đối thoại với các tiểu thương |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, hiện chợ TP Hà Tĩnh đang còn kiên cố nên không có chuyện đập chợ như các tin đồn, không có chuyện bán chợ như thông tin bà con nói, tin đồn bán chợ là thất thiệt...
Kết thúc buổi trao đổi, hàng trăm tiểu thương đồng tình vỗ tay cảm ơn những chỉ đạo kịp thời, hợp lý của Chủ tịch tỉnh. “Những lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh hôm nay như thấm vào gan, vào tim bà con tiểu thương. Chiều nay mọi người sẽ mở quầy hàng trở lại để buôn bán”, đại diện cho hàng trăm tiểu thương kết thúc buổi trao đổi.
Vì sao các tiểu thương đóng ốt, bãi thị?
Trước đó, liên tục từ ngày 26/11 đến nay, hàng ngàn tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh đã đồng loạt đóng cửa trước thông tin kết thúc hợp đồng kinh doanh sau 15 năm kí kết, đề nghị bà con kí tạm thời 3 tháng tiếp tục kinh doanh để chờ chuyển đổi mô hình quản lý từ nhà nước sang doanh nghiệp, hợp tác xã. Không đồng tình phương án kí hợp đồng 3 tháng, mà phải là lâu dài nên các tiểu thương đã đóng cửa bãi thị.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Tĩnh, trước yêu cầu chuyển đổi Chợ TP Hà Tĩnh theo Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016, UBND TP Hà Tĩnh đã đồng ý cho BQL chợ TP Hà Tĩnh gia hạn hợp đồng. Theo đó, 860/1.000 quầy, ki-ốt hết hạn hợp đồng, được ký gia hạn đến 31/3/2017 để chuẩn bị cho quá quá trình thực hiện chuyển đổi.
Các tiểu thương cho biết, 15 năm trước họ ký hợp đồng mua ki ốt với Ban quản lý chợ với giá giao động từ 20 triệu đồng cho mỗi ki ốt rộng khoảng 4m2, tới tháng 11/2016 là hết thời hạn thuê. Ban quản lý chợ đã yêu cầu người dân bàn giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt đã mua hồi xưa để ký hợp đồng mới với thời hạn 3 tháng, hết 3 tháng thì sẽ tính tiếp để thực hiện việc chuyển đổi.
Trước phương án chuyển đổi, các tiểu thương cho rằng các cho rằng chính sách mới khiến mọi người thấy bất bình, lo lắng nên đòi quyền lợi. Mọi người chỉ muốn được ký hợp đồng dài hạn, yên tâm kinh doanh buôn bán.
Các tiểu thương vui mừng sau cuộc đối thoại với Chủ tịch, UBND tỉnh |
Tại các cuộc đối thoại, bà con tiểu thương phản ánh một số điểm như: “Tại sao ban quản lý chợ chợ đưa ra thời hạn 15 năm để ký hợp đồng với hộ kinh doanh? Tại sao chỉ cho gia hạn đến ngày 31/3/2017, đề nghị không gia hạn và coi như hợp đồng vẫn còn hiệu lực hoặc nếu ký hợp đồng thì cần cho ký nhiều năm; nghe tin tỉnh, thành phố bán chợ cho doanh nghiệp với giá trên 800 tỷ đồng, khi chuyển đổi chợ thì bà con bị mất quầy, nếu tiếp tục kinh doanh sẽ phải nộp tiền rất lớn cho doanh nghiệp; khi chuyển đổi chợ phải quan tâm đến lợi ích của bà con, đình chợ 2 tầng mới xây dựng được 15 năm không được đập phá thay mới…”
Theo UBNDTP Hà Tĩnh, theo lộ trình, chợ TP Hà Tĩnh phải chuyển đổi từ quý II-2015, nhưng do thành phố đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi các chợ khác trên địa bàn nên chưa xây dựng phương án chuyển đổi để trình Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tại cuộc họp báo ngày, 28/11, ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh khẳng định việc chuyển đổi chợ là việc làm đúng với chủ trương của Nhà nước. Kế hoạch chuyển đổi chợ sang mô hình doanh nghiệp, HTX đảm bảo các quyền lợi cho tiểu thương và đảm bảo quy trình an toàn. Về việc vì sao việc chuyển đổi chậm, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, phương án chuyển đổi chợ phải được các hộ kinh doanh bàn bạc, thống nhất còn khi các hộ kinh doanh chưa nhất trí thì việc chuyển đổi chưa thực hiện.