Tỷ lệ hòa giải thành trong 10 năm đạt 84,45%
Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong 10 năm (từ năm 2014 đến tháng 6/2023), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn Thành phố là 63.699 vụ, đã giải quyết 61.316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%. Đặc biệt năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành toàn thành phố đạt trên 86%.
Nhiều quận, huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Ba Đình, Long Biên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Oai…
Hiện nay, toàn Thành phố có 4.994 tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.
Thành phố có nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện Thành phố có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên. Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được Thành phố và các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện hàng năm.
Công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đội ngũ Luật gia, Luật sư ngày càng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn thành phố quan tâm và đầu tư hơn. Trong 10 năm Thành phố cấp khoảng 115,4 tỷ đồng chi cho công tác hòa này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác này. Nhiều hoà giải viên tuổi cao, sức yếu, còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cấp xã còn thấp. Việc việc xã hội hóa kinh phí trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố còn hạn chế…
Pháp luật hòa giải còn nhiều vướng mắc
Thành phố cũng chỉ ra một số nguyên nhân do pháp luật hòa giải còn vướng mắc như: chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của các bên tham gia hòa giải khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ việc hòa giải của hòa giải viên.
Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải dẫn đến việc bố trí kinh phí cho công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục thanh toán kinh phí công tác hòa giải còn phức tạp.
Luật Hòa giải ở cơ sở không quy định cụ thể về số lượng hộ dân để thành lập tổ hòa giải nên việc thực hiện không được thống nhất từ đó số lượng tổ hoà giải và hòa giải viên phân bố không đều trên địa bàn dân cư; chưa có quy định tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và tiêu chí đánh giá hòa giải viên tiêu biểu…
Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên; cung cấp tài liệu cho hòa giải viên, duy trì phát báo miễn phí tới 100% tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố. Các địa phương cần tiến hành rà soát các hương ước, quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, gắn với việc xây dựng các mô hình có hiệu quả tại cơ sở và các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Huy động các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.